Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, tại Quảng Ninh, nhiều người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Song đến nay nhóm đối tượng là doanh nghiệp thuộc đối tượng của Nghị quyết này vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn do còn những vướng mắc cần tháo gỡ.
Điều kiện cho vay nhiều ràng buộc
Tại Quảng Ninh nhóm lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 là du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải, hàng không. Sau khi dịch COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng, đến nay địa phương này đã có 4 văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một số lĩnh vực, ngành nghề… Do vậy sức ép của các doanh nghiệp về các chi phí vốn đã khó khăn càng trở nên nặng nề hơn.
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Xuyên, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, kinh doanh lĩnh vực vận tải chia sẻ: Đơn vị có hơn 300 phương tiện vận tải khách nội, ngoại tỉnh, các xe hợp đồng chở khách du lịch, xe chở hàng… với khoảng hơn 500 cán bộ, lái xe, thợ sửa chữa thời điểm chưa có dịch COVID-19.
Tuy nhiên đến nay chỉ có khoảng 100 xe bus nội tỉnh đang hoạt động theo yêu cầu “5K”, số lượng lao động giảm một nửa; trong đó số lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ có trên 180 người.
Mặc dù doanh nghiệp đã làm hồ sơ gửi Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, theo ước tính có thể sẽ được vay khoảng 1,7 tỷ đồng nhưng theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì thành phần hồ sơ cần có “bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động” nên hồ sơ của doanh nghiệp chưa được duyệt vì chưa được Cục Thuế xác nhận thủ tục này.
Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực tàu du lịch, lưu trú cũng gặp phải những rào cản về thủ tục. Mặt khác với yêu cầu người lao động phải được tham gia bảo hiểm đến thời điểm đề nghị vay vốn và không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn vay.
Theo ông Bùi Công Hoan - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát, Phó Chủ tịch Hiệp hội tàu du lịch Hạ Long, có khoảng 30 doanh nghiệp đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội mời lên trao đổi, hướng dẫn thủ tục nhưng khi xét đến các tiêu chí thì chỉ có 1/3 đơn vị đủ điều kiện tiếp cận. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đến nay vẫn còn vướng thủ tục xác nhận báo cáo quyết toán thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Ông Bùi Công Hoan bày tỏ thêm rằng: Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã hai năm nay gần như không có nguồn thu, bên cạnh đó còn phải chi trả nhiều chi phí khác để duy trì, bảo quản cơ sở vật chất.
Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp này không đủ tiềm lực tài chính để trả lãi ngân hàng, lương cho người lao động và đã ngừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, thậm chí chuyển từ nhóm khách hàng tiềm năng sang nhóm nợ xấu với các ngân hàng thì việc vay vốn từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng là không thể. Mặt khác cũng có những doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng nguồn vay dự kiến chỉ khoảng 30 đến 50 triệu đồng cho 3 tháng nên các doanh nghiệp cũng chùn bước.
Tháo gỡ nút thắt
Theo ông Mai Chiến Thắng, Phó Cục trưởng cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện nay các doanh nghiệp đã thực hiện việc tự khai tự nộp và tự chịu trách nhiệm với thay đổi của mình, bên cạnh đó, đến nay 100% doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. Vì vậy, cơ quan thuế chỉ chấp nhận tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vị và thông báo số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp.
Ông Mai Chiến Thắng xác định đây là vướng mắc không phải chỉ ở Cục thuế Quảng Ninh mà trong phạm vi cả nước. Do vậy, ngày 21/7, Cục thuế Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo Tổng cục thuế đề xuất hướng dẫn triển khai. Theo quan điểm của Cục Thuế, chỉ cần các doanh nghiệp có thông báo chấp nhận tờ khai thuế cho cơ quan thuế và thông báo số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp là đủ điều kiện để cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục vay vốn theo quy định.
Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, nhu cầu của các doanh nghiệp rất nhiều nhưng qua phối hợp, kiểm tra rà soát chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp có nhu cầu. Đến nay, đã có 15 doanh nghiệp làm hồ sơ với tổng số tiền đề nghị dự kiến khoảng 7 tỷ đồng. Thế nhưng, một số doanh nghiệp chưa nắm bắt được các điều kiện, quy định, còn lúng túng khi làm hồ sơ thủ tục.
Vì vậy, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là quyết toán thuế và đề nghị ngành thuế và các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp sớm hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu phòng, chống dịch của Chính phủ. Vì vậy, nhiều lao động bị mất việc, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng nhưng vẫn phải trang trải hàng loạt chi phí để duy trì, bảo vệ cơ sở vật chất, giữ chân lao động có tay nghề.
Ngoài ra, thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đang hoạt động hàng tháng phải chi một khoản tiền lớn để thực hiện xét nghiệm COVID-19 tầm soát 20% lao động của đơn vị theo quy định.
Do đó, việc hỗ trợ nguồn vốn để các doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất được ví như phao cứu sinh. Tuy nhiên phải làm gì để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nhanh, đúng đối tượng thì cần có sự vào cuộc tháo gỡ nút thắt kịp thời của các cơ quan quản lý.