Tổ chức sản xuất linh hoạt
Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội Cơ khí - Điện Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để duy trì được sản xuất lâu dài, Thành phố cần có giải pháp thay thế hoặc cải tiến linh hoạt các tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” theo từng mô hình doanh nghiệp hoặc địa phương. Theo đó, có thể cân nhắc cho phép người lao động đã tiêm vaccine được đi về nhà, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng quy trình kiểm soát xét nghiệm của các bên liên quan để giảm nhẹ gánh nặng quá tải cho mô hình “3 tại chỗ”.
“Người lao động đã rất cố gắng để tham gia sản xuất, nhưng trong quá trình đó có một số sự cố xảy ra và họ muốn về nhà thì doanh nghiệp không biết xử lý thế nào. Tuy nhiên, khi người lao động đã quyết nghỉ thì doanh nghiệp không thể ngăn lại, hoặc nếu có ngăn được thì họ cũng ở lại với tâm lí bất an, không làm việc được”, ông Duy phân tích.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hơn ai hết, doanh nghiệp luôn ý thức người lao động là tài sản quý giá và phải bảo vệ an toàn. Do đó, chính quyền các cấp cần trao trách nhiệm và niềm tin về việc chấp hành các quy định phòng chống dịch cho doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước chỉ giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được các tiêu chí duy trì sản xuất.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, trước mắt, Thành phố và ngành y tế cần tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động tổ chức test COVID-19 định kỳ, vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp, vừa giảm áp lực lên y tế tế công. Song song đó, ngành y tế cần ban hành ngay hướng dẫn quy trình xử lý khi phát hiện F0, F1 trong các doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, đảm bảo sự hỗ trợ, hướng dẫn y tế kịp thời mà vẫn duy trì được hoạt động sản xuất. Xa hơn, muốn “sống chung với lũ”, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiếp cận và tiêm vaccine cho người lao động trực tiếp tại các nhà máy.
Liên quan tới vấn đề cung ứng nguyên vật liệu, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, cho biết dù đã kiến nghị nhiều lần và được tháo gỡ một phần nhưng thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát không chỉ trong phạm vi Tp. Hồ Chí Minh mà giữa các tỉnh, thành với Tp. Hồ Chí Minh gây khó dễ. Tình trạng ách tắc cục bộ gây ra nghịch lý nông sản, thực phẩm ở một số tỉnh hiện nay rất dồi dào, một số mặt hàng có hiện tượng cung vượt cầu nhưng khó đưa về Tp. Hồ Chí Minh để chế biến, tiêu thụ.
“Việc quan trọng hiện nay là phải tập trung giải quyết triệt để vận chuyển thông suốt giữa các tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong từng địa phương, kết nối với chuỗi cung ứng ở các khu vực khác và phục vụ xuất khẩu. Muốn đảm bảo duy trì và không đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào Thành phố cần xúc tiến ngay việc trao đổi với chính quyền các tỉnh, thành lân cận có vùng nguyên liệu lớn để phối hợp một cách nhịp nhàng. Trong đó, Thành phố sẽ đề xuất nhu cầu thị trường cần, các phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh cam kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng vùng nguyên liệu theo từng thế mạnh của địa phương”, bà Lý Kim Chi kiến nghị.
Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp
Tại buổi tọa đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh về chủ đề duy trì, ổn định sản xuất chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch COVID-19 mới đây, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND Thành phố thành lập ngay nhóm "xử lý nhanh" các vướng mắc của doanh nghiệp với sự tham gia của lãnh đạo UBND Thành phố, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia tư vấn.
Cụ thể, nhóm sẽ phụ trách việc tổng hợp tất cả các vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất, tham mưu giải pháp để Thành phố tháo gỡ nhanh những vấn đề đúng thẩm quyền. Nhóm sẽ kiến nghị với các Bộ, ngành và Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất và phục hồi ở giai đoạn sau dịch.
Theo ông Phan Văn Mãi, “mục tiêu kép” của Thành phố là giữ vững mặt trận phòng, chống dịch để bảo vệ ngành sản xuất; ngược lại duy trì sản xuất có vai trò tạo nguồn lực kinh tế thực hiện phòng, chống dịch lâu dài. Vì vậy, Thành phố khuyến khích doanh nghiệp chủ động đề xuất, hiến kế những phương án sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch mà vẫn linh hoạt, tiết kiệm chi phí hơn để sớm thẩm định, vận hành, không gò bó theo hai mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” như hiện nay.
Là người theo sát tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố cần triển khai ngay các gói hỗ trợ khẩn cấp để “cứu” doanh nghiệp. Nhưng để phát huy hiệu quả tối đa các gói hỗ trợ, trước hết cần chia doanh nghiệp thành các nhóm: đã đóng cửa, đang tạm ngừng hoạt động và nhóm những doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ” với những giải pháp khác nhau. Trước mắt, Thành phố phải ưu tiên “cứu đến cùng” nhóm doanh nghiệp đang hoạt động bởi họ đã chấp nhận chịu lỗ, chấp nhận hy sinh để giữ vững chuỗi cung ứng trong suốt thời gian giãn cách xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, bên cạnh việc thực hiện tốt các chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động thì doanh nghiệp cũng rất cần có loại "vaccine" thứ hai là các chính sách hỗ trợ thực chất, hiệu quả ngay. Ưu tiên là miễn, giảm thuế, phí kể cả phí bảo hiểm xã hội. Liên quan đến nợ vay, Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách cụ thể về giãn, giảm, khoanh lại các khoản nợ trong thời điểm này. Không để doanh nghiệp rơi vào tình thế càng sản xuất càng lỗ, càng sản xuất càng nợ rồi gia nhập nhóm ngừng hoạt động hay tệ hơn là đóng cửa.
Ghi nhận của Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết doanh nghiệp đang duy trì “3 tại chỗ” đều đang trong tình trạng phải bù lỗ vì mục tiêu không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Song, khả năng và nguồn lực của doanh nghiệp gần như đã cạn kiệt khi phải cùng lúc đối mặt với rất nhiều vấn đề từ tổ chức sản xuất, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, tất cả mọi chí phí đều tăng cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang rất cần những “liều thuốc” trợ lực mang lai hiệu quả nhanh, thực tế.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Chưa lúc nào các doanh nghiệp phải đối diện nhiều khó khăn, áp lực như lúc này. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Thành phố, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại thuế, doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp; các loại phí được miễn, giảm, chậm nộp đến cuối năm 2021 và lộ trình đến hết tháng 3/2022, kể cả bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, tiền thuê đất, sử dụng đất.
Theo ông Chu Tiến Dũng, hiện tại các khoản nợ cơ cấu chỉ được kéo dài 12 tháng kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, tổn thương do dịch bệnh kéo dài như hiện nay, doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn để tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ đến hạn ít nhất đến hết quý I/2022 để giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cho phép thời gian cơ cấu nợ kéo dài đến 24 tháng, do ngân hàng nơi cho vay xem xét và quyết định; đồng thời, tạo cơ chế để Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp bảo lãnh cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh kể cả giai đoạn phục hồi hậu “3 tại chỗ”.