Hà Nội thực hiện '3 tại chỗ' trong Khu Công nghiệp Thăng Long

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên địa bàn Thủ đô khiến nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa, người lao động phải ngừng việc, mất việc làm, UBND huyện Đông Anh đã chấp thuận phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" đối với 85 doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Thăng Long.

Chú thích ảnh
Công nhân đến làm việc tại Công ty TOTO Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long) phải đi theo làn đường đã được phân chia. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Theo đó, huyện yêu cầu doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra dịch trong phạm vi quản lý do không tuân thủ các biện pháp và phương án phòng, chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng nội dung phương án được phê duyệt; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và huyện để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện các nội dung của phương án, đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

UBND huyện Đông Anh yêu cầu trong quá trình thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị quản lý chặt chẽ người lao động, thường xuyên cập nhật, rà soát danh sách người lao động và phân loại theo nơi cư trú, phân loại nhóm theo mức độ an toàn (xếp theo thứ tự giảm dần); chủ động thực hiện đồng thời 2 phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" (sản xuất - ăn uống - nghỉ ngơi tại nơi làm việc) và "1 cung đường, 2 điểm đến" (người lao động chỉ di chuyển trên một cung đường, chỉ đến nơi làm việc và nơi ở) ngay cả khi đơn vị chưa có trường hợp nghi mắc.

Các đơn vị phát thẻ (giấy) đăng ký lộ trình di chuyển của người lao động, trong đó người lao động phải cam kết di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc theo một cung đường cố định, không di chuyển theo cung đường khác và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước công ty; khuyến khích các đơn vị tổng hợp đăng ký nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu, tổ chức mua tập trung và phát cho người lao động, hạn chế việc người lao động tự mua sắm tại nơi ở.

Huyện Đông Anh cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động; tổ chức phân công lao động hợp lý theo nguyên tắc "dây chuyền cách ly với dây chuyền; phân xưởng cách ly với phân xưởng; ca kíp cách ly với ca kíp" để hạn chế tối đa việc tiếp xúc và thuận lợi cho công tác khoanh vùng, cách ly khi cần thiết; thành lập các tổ, đội COVID-19 thuộc các dây chuyền/ca làm việc/phân xưởng để kịp thời chỉ đạo, nắm bắt, báo cáo tình hình thường xuyên; khuyến khích chia ca làm việc các nhóm theo mức độ an toàn.

Chú thích ảnh
Công nhân tại các công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long phải thực hiện đầy đủ công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Với nguyên tắc "Đảm bảo an toàn tới đâu, tổ chức lao động tới đó, nếu điều kiện không đảm bảo thì tạm dừng sản xuất", các đơn vị căn cứ tiến độ, nhu cầu sản xuất phải đảm bảo phòng dịch theo quy định để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, sử dụng lao động hợp lý; phân chia ca nghỉ, giờ ăn hợp lý, tránh tình trạng tập trung đông người. Khu vực phòng nghỉ, phòng ăn đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m, có vách ngăn phân chia không gian.

Cùng với đó, các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho người lao động; đăng ký, phân loại theo nhóm ưu tiên đối với người lao động đăng ký tiêm vaccine theo nguyên tắc ưu tiên nhóm nguy cơ cao. Việc cung cấp các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt của người lao động thực hiện theo hình thức tập trung; đăng ký với một đơn vị cung cấp.

Đối với các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Thăng Long chưa được chấp thuận phương án sản xuất an toàn, huyện đề nghị các doanh nghiệp có đủ điều kiện mặt bằng, trang thiết bị phù hợp với phương án "3 tại chỗ"; xây dựng lại kế hoạch, phương án để được kiểm tra, rà soát và thẩm định lại. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện, huyện khuyến khích thực hiện việc thuê khu ở tập trung trên địa bàn cho người lao động, song phải đảm bảo tốt công tác phòng dịch như kiểm soát ra vào; phun khử khuẩn; kiểm tra nhiệt độ; thành lập tổ, đội COVID-19, thông báo tới UBND xã, trạm y tế xã để phối hợp quản lý.

Đối với những doanh nghiệp không xây dựng phương án hoặc xây dựng phương án nhưng không được chấp thuận, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khu Công nghiệp Thăng Long có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để xây dựng phương án theo quy định; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh trong phạm vi quản lý do không tuân thủ phương án và các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, ngay sau khi có Chỉ thị số 17/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị đã yêu cầu các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" gửi UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt; sẵn sàng kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa; lấy nhà máy là nơi cách ly... Ban Quản lý cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn hàng, bảo đảm lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời nguyên, nhiên liệu duy trì hoạt động sản xuất…

Minh Nghĩa (TTXVN)
Hỗ trợ 10.000 phần quà cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp
Hỗ trợ 10.000 phần quà cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp

Trong đợt đầu, các đơn vị sẽ tặng 10.000 phần quà là các sản phẩm thiết yếu đảm bảo sức khỏe cho công nhân như: Gạo, trứng, thịt, rau, trái cây...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN