Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách giảm mức thu Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 890 đơn vị, doanh nghiệp, với gần 10.000 lao động. Tổng số tiền được giảm mức đóng 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) là gần 3 tỷ đồng. Một doanh nghiệp với 15 lao động đăng ký nhu cầu hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, 56 người hoàn thành cách ly y tế (F1) đã nộp hồ sơ để thẩm định, trong đó có 16 người đã được phê duyệt hỗ trợ với số tiền gần 27 triệu đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẩm định hồ sơ của ba lao động để thực hiện chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch. Thành phố Cao Bằng đã tiếp nhận 24 hồ sơ để thực hiện hỗ trợ các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo rà soát ba doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất cho 132 lao động với tổng số tiền hỗ trợ trên 372 triệu đồng. Đơn vị đang thẩm định hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc của Công ty Xi măng - Xây dựng công trình Cao Bằng cho 41 lao động với số tiền trên 140 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Oanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cao Bằng cho biết, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cao Bằng đã thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 851 hồ sơ để hỗ trợ cho 8.974 đối tượng với số tiền trên 225 triệu đồng. Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cao Bằng đã có văn bản đề nghị các đơn vị sử dụng lao động khẩn trương gửi hồ sơ để đơn vị thực hiện các thủ tục chi trả hỗ trợ theo quy định.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng Hoàng Thị Mỹ Hảo, trên thực tế, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lao động có giao kết hợp đồng với doanh nghiệp gặp một số vướng mắc như: người lao động ngừng việc chưa đủ 15 ngày, do thực hiện cách ly xã hội từ ngày 14/7; người lao động về quê hoặc cách ly y tế, không tập trung tại doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất (giảm lao động), chứ không tạm dừng hoạt động…
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động sớm lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách theo hướng dẫn gửi các cơ quan có thẩm quyền để sớm được phê duyệt hỗ trợ. Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến người dân, người lao động; đôn đốc các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát đúng đối tượng, tránh tình trạng trùng lặp, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xác định đối tượng và xác định thời gian hỗ trợ...