Nghệ An triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ nhanh gọn, đúng đối tượng

Tỉnh Nghệ An đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nhiều đối tượng lần đầu tiên được thụ hưởng

Với gói hỗ trợ này, lần đầu tiên nhiều đối tượng lao động được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Đó là hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng được hỗ trợ là minh chứng cụ thể nhất cho quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đó là "không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ trong đại dịch mà còn trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Chú thích ảnh
 Đợt 1 sẽ có 40 hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ.

Chị Phan Thị Quỳnh Anh (thuộc Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Nghệ An) là hướng dẫn viên du lịch có gần 8 năm công tác và tham gia nhiều tour, tuyến ở trong và ngoài nước. Mặc dù đã có kinh nghiệm trong nghề nhưng 2 năm trở lại đây, chị Quỳnh Anh buộc phải nghỉ việc vì tất cả các hợp đồng du lịch đều bị tạm hoãn do dịch COVID-19 bùng phát. Nghỉ việc, vì điều kiện khó khăn nên công ty không trả lương, chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải xoay sở mọi công việc để kiếm sống.

Hiện chị Quỳnh Anh là một trong những hướng dẫn viên đầu tiên của Nghệ An nộp đơn lên Sở Du lịch để xin được hưởng gói trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên du lịch tỉnh Nghệ An Võ Hồng Sáng chia sẻ, toàn tỉnh có 211 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm lưu động và 45 hướng dẫn viên được cấp thẻ tại điểm cố định. Trong 2 năm nay, hầu hết hướng dẫn viên đều phải nghỉ việc và làm đủ nghề để kiếm sống. Vì thế, khi biết sẽ được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ, họ rất phấn khởi.

Tại Nghệ An, gói hỗ trợ trên còn là sự động viên lớn lao cho các nghệ sỹ khi hoạt động của các đoàn nghệ thuật gần như phải "đóng băng" trong vòng gần 2 năm trở lại đây. Tỉnh Nghệ An có một đơn vị công lập là Trung tâm Nghệ thuật tỉnh với 90 diễn viên, ca sỹ, nhạc sỹ, hằng năm số thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Thế nhưng, từ đầu năm 2021 đến nay, số thu này bằng 0.  

"Sở Văn hóa và Thể thao đã nhận được danh sách 65/90 diễn viên, nhạc sỹ, ca sỹ đang hoạt động tại Trung tâm Nghệ thuật tỉnh và một nghệ sỹ làm việc tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh trong diện được hỗ trợ theo các điểm 28, 29, 30, Chương 8 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Hy vọng họ sẽ nhanh chóng được hưởng chính sách ưu đãi này", ông Trần Văn Sánh, Trưởng ban Pháp chế, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết.

Giải quyết nhanh gọn, đúng đối tượng

Để mở rộng kinh doanh, đầu năm 2021, Doanh nghiệp tư nhân Kỳ Duyên đã vay ngân hàng 7,5 tỷ đồng sửa sang và đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà hàng mới phục vụ khách du lịch tại thị xã Cửa Lò. Tuy nhiên, công trình vừa hoàn thiện và chuẩn bị đi vào phục vụ mùa du lịch thì dịch COVID-19 bùng phát trở lại, buộc doanh nghiệp phải đóng cửa. Trước đó, doanh nghiệp này đã chuẩn bị thực phẩm tích trữ phục vụ du khách lúc cao điểm nhưng khi không hoạt động, nguồn hàng này bị ứ đọng tại kho đông.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kỳ Duyên cho biết, dịch COVID-19 khiến 15 lao động của doanh nghiệp phải tạm ngừng việc. Việc giãn đóng bảo hiểm theo gói hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp được giãn nợ mà không tính lãi suất.

Với phương châm "một miếng khi đói, bằng một gói khi no", các ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang nỗ lực để có thể tiếp nhận và phê duyệt nhanh nhất, tạo điều kiện tối đa giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được thụ hưởng chính sách trong thời gian sớm nhất.

Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Cửa Lò có 1.300 hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ. Thị xã Cửa Lò chỉ đạo các phường phối hợp với Chi cục Thuế tiến hành rà soát và xác nhận cho hộ kinh doanh làm thủ tục nhận hỗ trợ. Quan điểm của thị xã là giải quyết kịp thời, nhanh chóng và phổ biến rộng rãi đến đúng đối tượng được hưởng. Tuy nhiên, với địa bàn đặc thù, chính sách hỗ trợ cần linh hoạt hơn để doanh nghiệp, người lao động được nhận hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Cửa Lò cho biết, thị xã là địa bàn du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, mặc dù không thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15,16 nhưng các hộ kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong quá trình rà soát, nhiều hộ kinh doanh không được hưởng chế độ chính sách này.

"Chúng tôi mong muốn, UBND tỉnh xem xét nới lỏng chính sách cho các hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh lưu trú khách sạn trên địa bàn được hưởng chính sách hỗ trợ", ông Nguyễn Thanh Minh nói.

Thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ cùng đơn vị sử dụng lao động và người lao động vượt qua khó khăn. Bảo hiểm xã hội tỉnh hỗ trợ tối đa cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động trong quá trình hoàn tất thủ tục hồ sơ, đảm bảo giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Đến nay, sau khi có các văn bản của Chính phủ và của tỉnh, Bảo hiểm xã hội đã kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để gửi hồ sơ xin hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Qua gần 3 tuần triển khai đã có hơn 30 doanh nghiệp trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để xác nhận hồ sơ và xin hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với số lao động cần hỗ trợ là gần 500 người.

Qua quá trình triển khai, ông Hồ Viết Phúc, Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội Nghệ An cho biết, so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây thì gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi hơn cho người lao động cũng như người sử dụng lao động. Như ở cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, theo quy định thời gian từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi giải quyết thủ tục là 4 ngày nhưng chỉ 2 ngày là chúng tôi đã hoàn thành cho các đơn vị. Việc đơn giản thủ tục nhằm giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể.

Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị, cá nhân đủ điều kiện, Sở sẽ thẩm định và phê duyệt sớm để doanh nghiệp, người lao động sớm được thụ hưởng chính sách.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ, hiện chỉ còn chính sách số 12 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP: Hỗ trợ đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) là cần rà soát và có sự tham mưu kỹ của các địa phương, ngành liên quan. Tuy nhiên, Sở sẽ sớm giải quyết nhanh gọn, đúng đối tượng để người dân được động viên, chia sẻ kịp thời bằng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Cổng Dịch vụ công quốc gia có 8 dịch vụ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp
Cổng Dịch vụ công quốc gia có 8 dịch vụ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

Dịch vụ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuế cho doanh nghiệp... là những dịch vụ được triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN