Đảm bảo không thiếu lương thực
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh đảm bảo không thiếu lương thực, thực phẩm. Tỉnh cũng đang vận hành đường dây nóng 1022 hoạt động 24 giờ/ngày và 7 ngày trong tuần để hỗ trợ người dân, trong đó có giải quyết về khó khăn lương thực, thực phẩm.
Sau khi tiếp nhận thông tin của cá nhân, tổ chức, hệ thống sẽ tự trả lời hoặc chuyển tiếp cho các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý để giải quyết vấn đề. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã phát đi thông điệp khẳng định những công nhân ở lại tỉnh sẽ được tiêm vaccine, hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm, không phân biệt hộ khẩu. Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, đến nay Liên đoàn đã hỗ trợ được 6.230 công nhân, người lao động bị ảnh hưởng, liên quan đến COVID-19.
Tại một khu phong tỏa y tế ở phường An Bình (thành phố Dĩ An), đoàn viên, thanh niên cùng với các lực lượng khác thay nhau trực chốt và hỗ trợ người dân từ công tác phòng, chống dịch, đến giúp người dân đi chợ. Bà Nguyễn Thị Tám, người dân trong khu phong tỏa phường An Bình chia sẻ: Mọi người có mặt từ 7 giờ. Ai muốn mua gì, các bạn thanh niên sẽ ghi lại rồi đi mua giúp, từ thực phẩm đến đồ cá nhân thiết yếu.
Những ngày qua, hàng chục tấn rau, củ, quả của các nhà hảo tâm và nhân dân các tỉnh gửi đến Bình Dương đã được Tỉnh đoàn và các Huyện, Thị, Thành đoàn tiếp nhận; tổ chức cho đội hình thanh niên tình nguyện phân phát kịp thời đến người dân.
Nhanh chóng giải ngân
Ngày 16/7/2021 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND (Quyết định 09) về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Có 8 nhóm người lao động được hỗ trợ, cụ thể gồm người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên lề đường không có điểm cố định; người thu gom rác, phế liệu, bốc vác; người vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe mô tô 2 bánh và các phương tiện khác có trọng lượng 500kg trở xuống, lái xe mô tô 2 bánh chở khách; người bán vé số lưu động; người lao động tay chân mang tính tự do trong lĩnh vực xây dựng; người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); người làm công việc thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1954/UBND-VX ngày 10-5-2021; các đối tượng khác phải tạm dừng công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Từ ngày 22/7-1/8, tỉnh đã duyệt, chi hỗ trợ cho 19.194 người với số tiền giải ngân là 28,79 tỷ đồng (đạt 47,9% so với dự kiến). Riêng đối tượng là người bán vé số lưu động đã cơ bản hoàn thành do nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ cho những trường hợp này được lấy từ Công ty Xổ số kiến thiết Bình Dương. Người bán vé số được nhận 1 lần hỗ trợ với mức 1.500.000 đồng/người.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, người lao động được nhận hỗ trợ với thủ tục đơn giản nhất, tại nhiều khu dân cư của các thành phố Thuận An, Dĩ An, người lao động nghèo ở đan xen trong các nhà trọ, hay sâu trong các hẻm nhỏ. Thành viên các tổ công tác địa phương đã cùng tổ trưởng dân phố đến tận nơi để thống kê và lập danh sách. Sở đã chỉ đạo thời gian từ khi lập danh sách, xét duyệt hồ sơ và chi hỗ trợ cho người dân chỉ trong vòng 4-7 ngày.