Ông Nguyễn Văn Hiển ở ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành là thương binh. Gia đình không có đất sản xuất, vợ chồng ông làm nghề bán vé số. Những ngày tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, ông bà nghỉ ở nhà, nguồn thu nhập chính của gia đình không còn. Được cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Bình Quới đến tận nhà trao tiền trợ cấp 750.000 đồng/người, ông bà rất xúc động. Số tiền này phần nào giúp ông bà trang trải trong những ngày không đi bán vé số do dịch bệnh.
Các đối tượng là lao động tự do được tỉnh Long An hỗ trợ trong đợt này gồm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô hai bánh chở khách, xe xích lô; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); bán lẻ vé số lưu động và một số công việc đặc thù khác thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND cấp huyện và cư trú hợp pháp tại các địa phương đều được xét nhận trợ cấp.
Theo đó, tính đến cuối tháng 7, Long An đã hỗ trợ cho gần 340 ngàn đối tượng với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng. Trong đó, 36.528 lao động tự do được hỗ trợ trực tiếp số tiền hơn 32,8 tỷ đồng. Cơ quan Bảo hiểm xã hội giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.237 tổ chức, cơ quan, đơn vị với 296.119 lao động được giảm mức đóng, số kinh phí tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giảm gần 105 tỷ đồng. Tỉnh hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) cho 6.628 người, tổng số tiền gần 12 tỷ đồng; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch cho 40 người, số tiền 148,4 triệu đồng…
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 từ ngày 29/4/2021 đến nay, các địa phương ở Long An đã vận động xã hội hóa hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là ở các khu cách ly, khu vực bị phong tỏa số tiền 27,9 tỷ đồng. Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã triển khai công tác chăm lo, hỗ trợ công đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Tánh cho biết, ngay sau khi tỉnh có kế hoạch và quyết định triển khai Nghị quyết 68, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện. Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp cùng trưởng ấp nhanh chóng lập danh sách, xem xét và đi tận nhà cấp phát tiền cho người lao động tự do tạm mất việc khi thực hiện Chỉ thị 16.
Nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ, chia thành nhiều đoàn khác nhau, đi cả ngày và đêm giúp người dân sớm nhận được tiền trợ cấp. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ cho các các nhóm đối tượng khác từ đầu tháng 8.