“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi...”

Vùng biển tỉnh Cà Mau với các đảo nhỏ ven bờ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Bao đời nay, ngư dân nơi đây đã biết tận dụng lợi thế biển để đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm giàu cho quê hương.


Ánh sáng nơi khơi xa


Mỗi khi màn đêm buông xuống, ngọn đèn trên các tàu cá lại sáng rực một vùng trời...


Có theo ngư dân ra khơi mới cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của từng chuyến tàu, từng thời điểm, từng mẻ cá, theo mùa nước thuận hay mùa nước nghịch.

Đánh bắt xa bờ đang là mong ước của ngư dân.


Anh Huỳnh Thanh Quang, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, thường tham gia đánh bắt ở vùng biển gần đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Chuối (Cà Mau). Anh tâm sự, đối với ngư dân ra khơi là mang theo sự thấp thỏm liệu có bắt được nhiều cá, nhiều mực. Vì vậy, cùng việc dán mắt dò cá vào mạn thuyền, đáy thuyền, anh Quang cùng 18 ngư dân trên tàu phân công nhau mỗi người giữ một vị trí để khi bắt tay vào việc, ai cũng nhanh và chủ động.


Mỗi chuyến đi phải ứng với mỗi đợt trăng (từ ngày 19 tháng trước đến mùng 10 tháng sau -âm lịch) thì mới bắt được nhiều cá, nhưng không phải đợt trăng nào tàu của anh Quang cũng gặp thuận lợi. Đợt trăng này, 2 tàu có công suất 750 CV của anh khởi hành với 35 ngư dân, chỉ đánh được gần 100 tấn cá các loại gồm: cá cơm, cá trích, cá bò, cá thu, cá chét... cho thu nhập khoảng 650 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư như nước đá, dầu máy... chỉ còn 350 triệu đồng, chia đều cho các ngư dân trên thuyền.


Anh Quang cho biết, từ thời ông nội anh đã gắn bó với biển cả. Các chú bác, cha anh đều theo ông nội đi biển, rồi truyền lại nghề cho con cháu. Gần 50 tuổi, anh vẫn lênh đênh trên biển kéo lưới đêm khuya. Nhưng khác với 10 năm trước, nỗi vất vả dò tìm hướng cá của anh em ngư dân được giải quyết nhờ máy dò cá.


Không chỉ dựa vào kinh nghiệm như xưa, giờ đây qua máy dò cá, anh em ngư dân xác định vùng nhiều cá để tối đến, khi đất liền tắt đèn thì khơi xa bắt đầu sáng đèn. Mỗi con tàu của anh Quang tỏa ra cùng 3 ghe nhỏ để giăng tấm lưới rộng 7 m, dài 70 m, bao vây đàn cá. Các ngư dân vào vị trí được giao, 2 người chăm chú xoay bánh lái để con thuyền theo đúng hướng lưới lên, 12 người tay thoăn thoắt thu từng mét lưới lại gần hơn với khoang thuyền, 3 người khác gỡ phao, truyền phao theo nhịp kéo và người còn lại điều khiển vợt cá vào khoang thuyền. Mỗi mẻ lưới kéo dài khoảng 1 tiếng 15 phút, đến 5 giờ sáng hôm sau, mỗi tàu giăng và kéo chừng 6 mẻ lưới, những lúc cá tạp nhiều, khâu phân loại kéo dài hơn, làm cho số mẻ lưới đêm đó ít lại.
Anh Quang cũng chia sẻ, vào những tháng nghịch mùa, nghịch con nước, lượng cá không nhiều. Có những đêm, mỗi mẻ lưới của anh chỉ kéo được 30 - 50 kg cá, nếu kéo suốt đêm 6 mẻ anh chỉ thu hoạch được 300 kg cá/tàu nhưng ngư dân không nản chí, không bỏ cuộc mà vẫn chờ kéo cá.


Tàu nhỏ khó bám biển


Tuy biển mang lại nguồn lợi thủy sản không nhỏ cho người dân nhưng để phát huy tiềm năng kinh tế ngư dân chài lưới còn gặp không ít khó khăn.


Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho biết: Tỉnh có khoảng 4.600 tàu cá vỏ gỗ, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất hơn 90CV là 1.600 chiếc và khoảng 150 chiếc tàu phục vụ hậu cần, với sản lượng đánh bắt khoảng 150.000 tấn/năm. Nghề đóng tàu trong tỉnh kém phát triển. Cả tỉnh hiện nay chỉ có 1 cơ sở đóng tàu công suất lớn cho ngư dân đánh bắt xa bờ, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đóng sửa tàu thuyền của ngư dân. Hầu như số lượng tàu ngư dân tỉnh Cà Mau hư hỏng, cần sửa chữa hay đóng mới đều phải đến Cần Thơ hoặc Kiên Giang đặt hàng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nghề khai thác thủy sản chưa được đầu tư nhiều, nên ngư dân chủ yếu sử dụng động cơ trên bộ phục vụ cho tàu thủy do đầu tư chỉ bằng 1/5 so với mua một máy mới hoạt động đúng chức năng cho tàu đánh cá.


Theo ông Huỳnh Hữu Liêm, Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Cà Mau, hiện Cà Mau có 2 cảng cá là cảng Cà Mau và cảng Sông Đốc, trong đó cảng Cà Mau hoạt động như một cảng, chợ cá nên chỉ tiếp nhận tàu từ 3 - 5 tấn ra vào. Cảng Sông Đốc được thiết kế với công suất 40.000 tấn/năm, nhưng chưa hoạt động hết công suất. Bên cạnh đó, cửa sông lớn nhưng luồng lạch lại bị bồi lắng nên tàu thuyền ra vào không thuận tiện, hơn nữa nơi bốc dỡ hàng hóa trong cảng nhỏ, không đủ diện tích cho hàng hóa lên xuống nhanh, nhiều tàu cá phải lựa chọn bốc dỡ nơi khác để giao hàng kịp thời, đảm bảo chất lượng hàng hóa.


Mặt khác, thời gian qua, nhiều ngư dân theo tập quán sản xuất và đồng vốn nhỏ nên chỉ tập trung khai thác gần bờ, dẫn đến nguồn lợi hải sản cạn kiệt dần, một số loài cá không còn xuất hiện như cá đường, cá gộc... tại khu vực biển Cà Mau không còn nữa, lượng cá cơm cũng giảm 80% so với trước đây. Đây cũng là những khó khăn với ngư dân khi bám biển.


Hồng Nhung

Hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển
Hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển

Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức gặp mặt nhằm phản đối Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức ngành...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN