Ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết với tỉnh Bình Định và Công ty CP Thủy sản Bình Định triển khai chương trình đóng mới tàu vỏ sắt, giúp ngư dân vươn khơi xa đánh bắt hải sản. Tổng số tàu được đóng mới theo chương trình này là 27 tàu.

 

Đây là hành động cụ thể hóa chương trình tín dụng với tổng nguồn vốn 3.000 tỷ đồng đầu tư cho ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu đóng tàu khai thác hải sản xa bờ. Theo đó, riêng tại Bình Định, Công ty CP Thủy sản Bình Định và một số ngư dân tỉnh Bình Định sẽ đóng mới 26 tàu vỏ sắt có công suất bình quân mỗi chiếc 1.000 CV, với tổng số tiền 150 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2014 đến năm 2017.

 

Công nhân Xí nghiệp đóng tàu thuyền Tam Quan (Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn) đóng tàu mới cho ngư dân.

 

Trong đó, Công ty CP Thủy sản Bình Định đăng ký đóng 13 chiếc và số còn lại là do ngư dân trong tỉnh đóng. Nguồn vốn mà ngư dân được vay chiếm đến 90% tổng trị giá con tàu, trong vòng 10 năm với lãi suất 3%/năm. Ngoài ra, nếu ngư dân có nhu cầu vay vốn lưu động đi biển, BIDV sẽ cho vay từ 200- 500 triệu đồng với lãi suất vay 5%/năm, thấp hơn trần lãi suất cho vay hiện nay là 3%/năm.


Ngoài ra, BIDV hỗ trợ cho Trung ương đoàn 1 tàu sắt trị giá 5 tỷ đồng. Cũng trong dịp ký kết vừa qua, Trung ương Đoàn đã giao chiếc tàu sắt đầu tiên này cho Tỉnh đoàn Bình Định, cụ thể là đội thanh niên xung kích quản lý, ra khơi bám biển cùng ngư dân trong tỉnh.

Năm 2013, Bình Định đóng mới 275 tàu và riêng 4 tháng đầu năm nay là 48 tàu và đưa tổng số tàu thuyền của tỉnh hiện nay lên con số 7.180 chiếc, với tổng công suất đạt trên 1,03 triệu mã lực (CV). Năm 2013, sản lượng khai thác hải sản của toàn tỉnh đạt 181.000 tấn và trong 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 68.000 tấn.


Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết: Đây là một chương trình tín dụng hỗ trợ ngư dân một cách đồng bộ, kịp thời và nhanh nhất. Sau lễ ký kết này, nếu các khách hàng có đủ hồ sơ, sau 4 ngày, cán bộ và nhân viên (BIDV) kiểm tra đầy đủ thủ tục thì ngân hàng có thể giải ngân luôn. Ông Hà cho biết thêm: BIDV còn hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học ngành nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá...


Chương trình tín dụng này được triển khai đã mở ra nhiều cơ hội cho ngư dân trong phát triển kinh tế biển. Bà Nguyễn Thị Tâm, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn cho biết: Trước đây, gia đình bà đã đóng tàu vỏ gỗ để khai thác xa bờ. Nay tỉnh phối hợp với Ngân hàng BIDV triển khai chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, gia đình bà đăng ký vay vốn để đóng một tàu vỏ sắt công suất 1.000 CV. Dự kiến, chi phí đóng con tàu này là khoảng 5 tỷ đồng.


Phân tích rõ hơn về chương trình này, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Để xúc tiến chương trình đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân, ngày 10/6/2014, UBND tỉnh phối hợp với lãnh đạo Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam đã giới thiệu đến bà con ngư dân mô hình các kiểu tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ có công suất từ 400-1.000 CV như tàu lưới rê, tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới vây và giả cào... Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, ngư dân sẽ đặt Công ty Tàu thủy Việt Nam đóng và chuyển giao công nghệ quản lý, sử dụng. “Trong tương lai không xa, tỉnh Bình Định sẽ hình thành một đội tàu vỏ sắt với đội hình 100 chiếc để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, ông Lộc cho biết.

Bài và ảnh: Viết Ý

Ngư dân liên kết phát triển kinh tế biển
Ngư dân liên kết phát triển kinh tế biển

Nhờ có những chủ trương, chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế biển đảo, những năm qua tại Quảng Trị đã xuất hiện nhiều nhân tố, mô hình làm ăn mới có hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN