TP Hồ Chí Minh: Ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao

TP Hồ Chí Minh đã định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng việc ưu tiên phát triển ngành công nghệ cao, trong đó, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành công nghiệp công nghệ cao (CNC) sẽ giúp ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong giá trị sản phẩm công nghệ và giúp ngành này thoát khỏi việc gia công theo kiểu “vặn ốc vít”.

 

Vẫn còn hạn chế


Không riêng TP Hồ Chí Minh mà cả nước ta nói chung vẫn đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành CNHT công nghiệp CNC. Theo ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ngành công nghiệp CNC chưa phát triển mạnh tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, nguyên nhân xuất phát từ việc phát triển không đồng bộ ngành CNHT cho CNC. Hiện ngành CNHT cho CNC mới phát triển ở giai đoạn sơ khai, manh mún. Vì vậy, phần lớn các đơn hàng cung ứng sản phẩm cho các ngành công nghiệp CNC thường là đơn chiếc, số lượng và chủng loại hạn chế. Ví dụ trong ngành công nghiệp vật liệu mới, một số đơn vị như Viện Công nghệ vật liệu, Viện Cơ học ứng dụng TP Hồ Chí Minh đã có các sản phẩm vật liệu mới ứng dụng trong các ngành đường sắt, ô tô, đóng tàu, xây dựng... Tuy nhiên, khi đưa vào sản xuất thì gặp khó vì có rất ít đơn vị sản xuất vật liệu mới với quy mô lớn hoặc chỉ sản xuất đơn chiếc.


Ở góc độ khác, dù một số DN ngành công nghiệp CNC nước ngoài hoạt động ở Việt Nam khá lâu nhưng đến nay họ vẫn đang đi tìm nhà cung cấp các sản phẩm hỗ trợ CNC. “Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện và dịch vụ ở Việt Nam nhưng vẫn chưa tìm được nhà cung cấp ưng ý. Các DN Việt thường có những khuyết điểm như: Chất lượng sản phẩm không đồng nhất do chưa có hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chí quốc tế, DN gặp khó khăn trong trao đổi với nhà thu mua vì yếu ngoại ngữ hoặc DN chưa áp dụng quy trình quản lý theo LEAN (quản lý sản xuất tinh gọn) để giảm chi phí...” bà Trần Thị Xuân Mai, phụ trách thu mua từ nhà cung cấp Intel Việt Nam (Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh), cho biết.


Ngoài ra, dù được ví như hạt nhân kích hoạt cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp CNC, nhưng nguồn nhân lực cho ngành này đang thiếu trầm trọng. Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, hiện nay và những năm tới, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo chiều hướng cần nhiều lao động công nghệ để đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lĩnh vực này luôn thiếu lao động công nghệ có trình độ tay nghề giỏi. Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn như công nghệ hàn, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ thực phẩm... nhưng vẫn khó tuyển đủ số lượng.

 

Hỗ trợ phát triển


Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã xác định phát triển CNC cùng CNHT là những ngành then chốt để đạt được những mục tiêu về tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015, nâng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp lên 42% và ngành dịch vụ lên 57% GDP; gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 40% GDP của thành phố vào năm 2015... Vì vậy, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các DN khi tham gia chuỗi cung ứng hỗ trợ công nghiệp CNC trên địa bàn.


Theo đó, khi đầu tư vào Khu công nghệ cao thành phố (quận 9) để sản xuất sản phẩm CNHT, DN sẽ nhận được nhiều ưu đãi cao nhất về thuế, giá thuê đất, hỗ trợ vốn vay, thủ tục một cửa, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ thông tin... Chẳng hạn với thuế, được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 0% trong bốn năm đầu, 5% trong chín năm tiếp theo và 10% cho hai năm nữa... Ngoài ra, Ban quản lý Khu CNC sẽ hỗ trợ từ 10% đến 30% tổng chi phí đào tạo về kỹ thuật công nghệ, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, an toàn lao động cho các dự án CNHT, CNC đầu tư vào đây.


Bên cạnh đó, thành phố còn kết nối với Công ty Ðầu tư Tài chính Nhà nước, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 50 - 100% lãi suất vay, cho các dự án CNHT, CNC với mức hỗ trợ vốn vay lên đến 70% tổng vốn đầu tư (mức vốn vay không vượt quá 100 tỷ đồng/dự án), thời gian hỗ trợ tối đa lên tới bảy năm. Đối với các dự án có mức vốn hỗ trợ lãi vay hơn 100 tỷ đồng hoặc thời gian hỗ trợ lãi vay hơn bảy năm, UBND thành phố sẽ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.


Theo quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011 - 2020, trong giai đoạn 2011 - 2015, thành phố ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực như: cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm. Từ đó, thành phố cũng đã có nhiều chính sách, ưu đãi như đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi và khoa học để có cơ hội phát huy năng lực cho người lao động kỹ thuật cao; tạo điều kiện an cư - lạc nghiệp trong thời gian làm việc các khu công nghệ cao của thành phố; đồng thời đảm bảo chế độ lương, thu nhập phù hợp với trình độ, năng lực và khen thưởng theo cống hiến của từng cá nhân...


Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN