Thay đổi tập quán sản xuất

Từ chỗ sản xuất theo phương thức "chọc lỗ, tra hạt", những hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số 11 xã của các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ (Nghệ An) đã biết tiếp cận với cách thức sản xuất mới thông qua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây là kết quả đạt được sau 6 năm triển khai “Dự án phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số” tỉnh Nghệ An, do Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch - châu Á và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp thực hiện.


Thực hiện dự án, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã thành lập 187 nhóm nông dân cùng sở thích với 2.250 người tham gia, mở 89 lớp tập huấn với gần 3.000 nông dân tham gia. Tham gia tập huấn, các học viên được tiếp thu các kiến thức về trồng rau, trồng ngô theo phương thức mới, được hướng dẫn quy trình sản xuất từ khâu làm đất, đến khâu chọn giống, cách gieo trỉa và chăm sóc. Không chỉ tiếp thu các kiến thức qua lý thuyết, đồng bào còn được thực nghiệm trực tiếp trên những cánh đồng của mình, được cán bộ dự án “cầm tay, chỉ việc”, trực tiếp cung cấp những điều nông dân cần.


Để có kết quả so sánh, đối chứng, Ban quản lý dự án tiến hành chia thửa ruộng của mỗi hộ thành ba nương. Một nương làm theo tập quán của nông dân, một nương làm theo phương pháp mới của dự án, một nương làm các thí nghiệm. Kết quả cho thấy, các nương làm theo phương pháp của dự án đem lại năng suất cây trồng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với các nương làm theo tập quán sản xuất truyền thống của nông dân. Từ thực tế đó, đồng bào dân tộc thiểu số thấy được lợi ích, hiệu quả mang lại nên tích cực hưởng ứng và làm theo.

Khiếu Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN