Ngăn ngừa lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã công bố báo cáo nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại và làm việc không có giấy tờ hợp pháp”. Đây là một trong những nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm tìm kiếm những biện pháp thích hợp để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng người lao động (NLĐ) Việt Nam ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc.


Nguyên nhân chính là thu nhập


Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đơn vị thực hiện nghiên cứu, cho biết: Trên cơ sở khảo sát 243 người lao động (trong đó có 100 lao động hợp pháp đang làm việc ở Hàn Quốc, 98 lao động hợp pháp đã về nước và 45 lao động không có giấy tờ hợp pháp đã về nước) và 10 doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động Việt Nam; báo cáo đã phân tích 4 nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng tới việc tình trạng lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp động.

Lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.


Trước tiên là hạn chế về nhận thức, ý thức của nhiều người lao động Việt Nam. Đây được đánh giá là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc. “Yếu tố thu nhập được coi là động lực chính khiến người lao động muốn ở lại. Theo ước tính, số tiền mà mỗi người lao động gửi về gia đình là không nhỏ, ước khoảng từ 50.000 đến 70.000 đôla Mỹ. Khi hết hợp đồng, họ vẫn muốn ở lại để làm tiếp vì lo ngại không biết về Việt Nam có việc làm tiếp hay không. Trong khi đó, chênh lệch thu nhập của việc làm ở Hàn Quốc và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần)”, bà Hương cho biết.


Thứ hai, nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc khá lớn. Dù bị phạt nhưng do việc sử dụng lao động bất hợp pháp mang lại lợi nhuận, nên nhiều chủ doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động bất hợp pháp.


Thứ ba, do thiếu các ràng buộc pháp lý giữa cơ quan phái cử lao động (Trung tâm Lao động ngoài nước - OWC) và người lao động. Chính vì vậy, phía Việt Nam cũng không nắm rõ số liệu lao động đang làm việc ở đâu và trách nhiệm giải quyết vấn đề liên quan.


Thứ tư, việc thực thi chế tài xử phạt của Hàn Quốc chưa hiệu quả. Nếu lao động bất hợp pháp bị bắt thì chỉ bị trục xuất, không có chế tài xử phạt nên vi phạm. Đó là lý do nhiều người lao động hết hạn hợp đồng vi phạm.


Tìm hướng giải quyết


Phản biện về báo cáo nghiên cứu, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hội xuất khẩu lao động Việt Nam, cho rằng: Từ năm 2004 đến nay, bình quân mỗi năm, số người Việt Nam đi lao động Hàn Quốc khoảng 12.000 người nên số lượng khảo sát 243 lao động vẫn là quá ít. Những nguyên nhân trong báo cáo chỉ ra hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ độ tin cậy và khái quát toàn bộ vấn đề nên báo cáo nghiên cứu mới dừng lại mức độ nhận diện. Do đó, giải pháp trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo và tuyển chọn lao động, trong đó nâng cao trình độ học vấn cho người lao động. Đồng thời, thực hiện đúng điều 41 trong Luật Lao động như việc lao động phải ký hợp đồng, nộp tiền bảo lãnh và phải đền bù thiệt hại họ gây ra. Với mối lo ngại của người lao động khi về nước không tìm được việc làm, các cơ quan chức năng sớm có chương trình hỗ xúc tiến tạo việc làm trong nước. Cuối cùng là thực hiện biện pháp xử phạt, chấn chỉnh để thị trường lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đi vào khuôn khổ.


Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Báo cáo nghiên cứu chưa chỉ rõ nguyên nhân và so sánh vì sao lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc khi hết hợp đồng nhiều nhất trong 15 nước có hợp đồng EPS (hợp đồng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc). Nếu là nguyên nhân về lợi ích kinh tế, chúng ta cần có giải pháp đảm bảo lợi ích của người lao động khi về nước hoặc đáp ứng nhanh nguyện vọng được trở lại Hàn Quốc lao động. Còn nếu là thói quen, ý thức thì chính quyền địa phương các cấp có nhiều người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc phải vào cuộc. "Đi thực tế đến một số gia đình có con đang lao động bất hợp pháp bên Hàn Quốc, họ nói rất tự hào con họ hàng tháng vẫn gửi tiền về cho gia đình cả chục triệu đồng, trong khi gia đình họ không biết rằng con họ đang làm việc phi pháp tại Hàn Quốc. Việc này đang ảnh hưởng đến nhiều người và cộng đồng. Do đó phải đẩy mạnh tuyên truyền để gia đình vận động con em họ hết hợp đồng lao động về nước", Thứ trưởng Nguyễn Trọng Hòa chia sẻ.


Được biết, Bộ LĐTB-XH đã triển khai tuyên truyền tại 11 tỉnh và thời gian tới sẽ tiếp tục tại 12 tỉnh. Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có những chế tài ràng buộc với lao động khi đi xuất lao động tại Hàn Quốc để xử lý khi có những vi phạm.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN