Miền Trung lại gồng mình chống siêu bão

Theo dự báo, cơn bão số 11 với sức gió giật cấp 16 sẽ đổ bộ vào miền Trung vào sáng nay (15/10) trong khi mảnh đất này vẫn chưa gượng dậy sau sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 10.


Chủ động phòng chống bão số 11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu:

Ngư dân xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị chuyển ngư lưới cụ lên bờ phòng chống cơn bão số 11. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN


Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Huy động các lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống bão số 11 nhằm hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người và tài sản.

 
Đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác phòng, chống bão. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão; tổ chức, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn, kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; có các phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, những nơi có khả năng ngập sâu và có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; cử người canh gác tại các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho đi qua những khu vực nguy hiểm; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ; khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng công trình; cắt tỉa cành cây bao gồm cả khu vực miền núi; chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của bão. Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục chỉ đạo việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo và phương án sơ tán nhân dân vùng hạ du trước khi xả lũ; thực hiện đóng biển thông báo vùng xả lũ và tiến hành thường xuyên hàng năm trước mùa mưa lũ.


Tổ chức các đoàn, phân công cụ thể lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành phụ trách địa bàn từng huyện, xã để thực hiện kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão, lũ theo phương châm 4 tại chỗ; công tác chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng bị chia cắt.


Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp nêu trên, đặc biệt đối với các tỉnh đã bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 11, cần rà soát triển khai ngay và kiên quyết không để dân bị đói, rét.


Mạnh hơn cơn bão số 10


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhận định, bão số 11 mạnh tương đương, thậm chí còn hơn bão số 10 vừa qua. Cơn bão này lại có diễn biến rất phức tạp, các đài khí tượng quốc tế đưa ra những dự báo khác nhau về vị trí bão đổ bộ, cụ thể là: Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình. Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam.


Do ảnh hưởng của bão, hôm nay vùng biển phía tây khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16; biển động dữ dội. Từ chiều tối qua (14/10), các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to.


Theo Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, đến hôm qua, biên phòng các tỉnh phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.062 phương tiện với 292.783 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh; riêng khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có gần 18.500 tàu với trên 43.500 người neo đậu an toàn tại các bến.


Xả nước sớm để giảm lũ cho hạ du


Để đối phó với bão số 11, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) đã có công điện chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ, ngành triển khai công tác ứng phó với bão. Ban Chỉ đạo đã cử hai đoàn công tác, một đoàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm trưởng đoàn đi thành phố Đà Nẵng và một đoàn do Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLBTW Cao Đức Phát làm trưởng đoàn đi vào tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo trực tiếp các phương án đối phó với bão. Bộ NN&PTNT cũng đã cử đoàn công tác vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa.


Theo ông Vũ Xuân Thành - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo (PCLBTW), rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão vận hành xả nước sớm để giảm lũ cho hạ du, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và Sông Ba; kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc, phương án sơ tán vùng hạ du để kịp thời cảnh báo và sơ tán dân khi xả lũ.
Hiện các hồ chứa thủy lợi nhỏ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh hầu hết đã tích đầy nước; các hồ từ Quảng Bình đến Đà Nẵng phổ biến ở mức từ 60 - 80% so với thiết kế. Các hồ chứa trên 10 triệu m3 đã tích đầy nước gồm: Sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hóa), Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá, Xuân Dương, Sông Sào (Nghệ An), Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy, Kim Sơn (Hà Tĩnh), Tiên Lang (Quang Bình), Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế), Khe Tân (Quảng Nam).


Theo dự báo, do ảnh hưởng mưa bão, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ lên. Sau mưa, lũ sẽ lan dần ra các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Bắc Tây Nguyên. Vùng núi các các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, khu vực bắc Tây Nguyên có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

 

Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN