Lo đầu ra cho nông sản

Thông tin từ hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2013 diễn ra tại thành phố Cần Thơ hồi giữa tuần khiến ai quan tâm đến sản xuất nông nghiệp nước nhà không khỏi lo lắng. Nông sản làm ra dù chất lượng rất cao, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế nhưng đầu ra lại hết sức khó khăn... Đó là thực trạng đáng báo động ở ĐBSCL hiện nay!

 

Rất đáng lo ngại là đầu ra nhiều mặt hàng nông sản đang bị lệ thuộc rất lớn vào thương lái, thị trường Trung Quốc. Một khi thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng “ăn hàng”, nông dân cầm chắc lỗ nặng vì hàng hóa sản xuất ra không biết bán cho ai, thậm chí bỏ luôn ngoài đồng vì không đủ trả tiền công thu hoạch... Nhức nhối câu chuyện nông dân các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ đổ xô trồng khoai lang tím để bán cho thương lái Trung Quốc. Khi họ cần nguyên liệu thì đẩy mạnh thu mua, tăng giá. Hám cái lợi trước mắt, không ít hộ dân ở ĐBSCL phá bỏ lúa, vườn cây ăn quả để lấy đất trồng khoai. Thế nhưng, khi thương lái Trung Quốc thâu tóm được nguồn nguyên liệu, thì đùng một cái, họ đồng loạt hạ giá, khiến không ít hộ trồng khoai điêu đứng. Người trồng dưa hấu ở ĐBSCL cũng có thời điểm rơi vào tình cảnh tương tự, mà nguyên nhân cũng do thị trường Trung Quốc đột ngột ngưng tiêu thụ sản phẩm này.


Một dẫn chứng khác là việc tiêu thụ dừa nguyên liệu tại ĐBSCL. Vài năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vào tận Bến Tre thu mua dừa nguyên liệu. Các tàu Trung Quốc trực tiếp vào sông Hàm Luông thu mua từ 30 - 35% sản lượng dừa khô nguyên liệu. Họ có đầu mối điều hành chung, khống chế, quyết định giá thu mua, nên giá lên xuống rất thất thường. Ở thời điểm hiện tại, giá dừa đang ở mức cao, nhưng bài học từ khoai lang tím và dưa hấu, khiến người trồng dừa Bến Tre luôn trong tâm trạng bất an, bởi không có gì đảm bảo dừa nguyên liệu được tiêu thụ ổn định, bền vững.


Có thể thấy rõ, sự bất ổn của thị trường tiêu thụ nông sản đã được cảnh báo từ lâu, tuy nhiên các địa phương vẫn không xây dựng kế hoạch để đối phó, không có định hướng cần thiết cho các hộ dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số địa phương chưa thật sự chú ý tới công tác quy hoạch, chọn giống cây trồng phù hợp..., dẫn tới không phát huy được tiềm năng và lợi thế của địa phương. Chính vì vậy người nông dân làm ra sản phẩm vốn rất khó khăn, nhưng tiêu thụ sản phẩm lại càng khó khăn hơn.


Do vậy, để tạo một thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài cho nhà nông, rất cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông; giúp cho người sản xuất an tâm, không phải lo lắng tìm đầu ra cho nông sản mỗi khi thị trường “trái gió trở trời”, “được mùa, mất giá”...

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN