Hiệu quả từ mô hình trồng rau an toàn

Nằm cách cầu Chương Dương hơn 20 km, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ một xã trồng cây lương thực và rau màu một cách tự phát đã áp dụng tiến bộ khoa học để triển khai mô hình trồng rau an toàn.

 

Quy trình sạch, an toàn


Có thể khẳng định, nhu cầu về rau sạch, rau an toàn của thị trường Hà Nội là rất lớn. Nhờ vậy mà những năm gần đây, mô hình rau an toàn ở xã Văn Đức luôn tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường nhờ nguồn hàng thực sự an toàn cho người tiêu dùng.


 

Thương lái thu mua ngay tại cánh đồng rau an toàn xã Văn Đức. Ảnh: Mạnh Minh

Việc kiểm nghiệm mẫu đất, nước ở Văn Đức cho thấy, xã này đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Cộng với đó, người dân trong xã đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.


Trước đây, người dân Văn Đức trồng rau theo phương thức truyền thống: canh tác đại trà, chăm sóc theo kinh nghiệm. Cách này đem lại hiệu quả không cao. Từ năm 2002 đến nay, nông dân trong xã bắt đầu triển khai mô hình trồng rau an toàn. Được thành phố hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng để triển khai mô hình rau an toàn, giai đoạn đầu xã Văn Đức đã đào một loạt giếng khoan để lấy nguồn nước tưới cho rau. Ngoài việc được tưới bằng nguồn nước giếng này, diện tích rau an toàn của Văn Đức còn thường xuyên được kiểm soát về các tiêu chí đất, vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… đảm bảo thực sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.


Để rau an toàn của Văn Đức thực sự có chỗ đứng trên thị trường, ban quản lý các chợ cần phân khu vực bán rau an toàn riêng. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Văn Đức

Bà Trương Thị Hạnh, người dân xã Văn Đức cho biết: “Đa phẩn người dân nơi đây đã chuyển sang dùng thuốc trừ sâu sinh học để phun cho rau, chứ không dùng những loại thuốc trừ sâu độc hại như trước. Có những loại thuốc trừ sâu sinh học phun cho rau, nhưng chỉ sau 2 đến 4 ngày là chúng tôi có thể thu hoạch rau mà vẫn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Về phân bón, chúng tôi thường bón cho rau bằng tro kết hợp với phân nhập khẩu của Đức, chứ không sử dụng phân tươi như nước. Nước tưới cho rau được lấy hoàn toàn từ giếng khoan và nguồn nước này đã được kiểm nghiệm là không có kim loại nặng”.


Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Văn Đức, hợp tác xã đã hướng dẫn cho người dân về quy chế sản xuất rau an toàn, quy hoạch vùng trồng rau an toàn, đôn đốc các bộ phận chức năng làm tốt khâu tưới tiêu, cung cấp phân, giống (nhất là các giống bắp cải) tạo điều kiện cho bà con nông dân triển khai mô hình một cách tốt nhất.


Vẫn lo khâu tiêu thụ


Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Toàn xã hiện có 250 ha rau an toàn, trong khi năm 2006 chỉ có 6 ha. Lợi nhuận mà người nông dân thu được vào khoảng 500 triệu đồng/ha”. Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Văn Đức không những mang lại hiệu quả kinh tế, còn tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng của người nông dân, giúp họ ý thức hơn về việc trồng rau an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rau an toàn ở Văn Đức vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

 

Theo anh Nguyễn Đức Thái, hiện nhiều loại rau của xã tuy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn bị lép vế so với rau thường, nhất là các loại rau có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi các loại rau này có lợi thế cạnh tranh về giá, cụ thể là rẻ hơn so với rau an toàn. Hiện nông dân Văn Đức bán rau an toàn với giá chênh lệch không đáng kể so với giá các loại rau thường. Anh Trần Thành Công, người dân xã Văn Đức chuyên buôn rau tại các chợ đầu mối như Long Biên, Ngã Tư Sở, cho biết: “Rau an toàn của Văn Đức được bán với giá cao hơn rau thường 200 đồng/kg. Tuy nhiên, khi rau về các chợ bán lẻ, vào siêu thị thì giá đã được đẩy lên rất cao. Mức chênh lệch này, người nông dân không được hưởng mà thuộc về những người bán lẻ và các siêu thị”. “Nếu mức chênh lệch giữa rau an toàn và rau thường tăng lên từ 500 - 1.000 đồng/kg thì nông dân chúng tôi mới bớt khó khăn”, anh Công cho biết.


Tuấn Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN