Giảm lãi suất cho vay cả khoản cũ và mới

Hôm qua (10/5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp báo công bố các văn bản giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên kể từ ngày 13/5. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại (NHTM) còn hứa giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống còn 13%/năm, thay vì 15%/năm như hiện tại.



Giảm lãi suất từ 13/5


Theo Quyết định số 1073/QĐ-NHNN ngày 10/5, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 8% xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6% xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 9% xuống 8%/năm. Các ngân hàng áp dụng các mức lãi suất này từ 13/5.


 

Khách hàng doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại VietinBank chi nhánh Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: trần việt - TTXVN

 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất trên được đưa ra dựa trên các cơ sở sau: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng 3/2013, tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2012. CPI trong 4 tháng đầu năm đã tăng 2,41% so với cuối năm 2012; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất huy động và cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao.


Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu ở một số lĩnh vực ưu tiên cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa, NHNN cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND kể từ ngày 13/5 từ mức 11%/năm xuống 10%/năm.


Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), từ 13/5 ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất cho vay ưu tiên tối đa là 10%/năm (những DN tốt có thể được hưởng mức lãi suất 6 đến 8%); đối với gói vay trung, dài hạn thì lãi suất tối đa là 11,5%/năm; những lĩnh vực không ưu tiên tối đa là 12,5%. Còn phía Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường của ngân hàng hiện chỉ còn khoảng 10,5%/năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với các DN thấp nhất chỉ còn 11,6%/năm. Ngoài ra, ngân hàng đang áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn với hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng, 700 triệu USD với lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5%/năm và 2%/năm.


Trả lời thắc mắc của báo giới về việc mức trần lãi suất huy động vẫn giữ nguyên 7,5%/năm như hiện nay mà chưa giảm, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết, diễn biến lạm phát giảm từ đầu năm đến nay nên kỳ vọng lạm phát 2013 trong khoảng 6,5-7%/năm. “Chúng tôi thấy rằng trần lãi suất huy động 7,5%/năm là phù hợp, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Mức này đã trở về mốc ở giai đoạn những năm 2004- 2006”, bà Hồng nói.


Đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ giải thích thêm: Thời gian qua, thanh khoản trên toàn hệ thống ngân hàng đã có nhiều cải thiện. Một số ngân hàng đã tự điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, trên thị trường cũng có những TCTD thanh khoản còn chưa tốt nếu bỏ trần thì các tổ chức đó sẽ tăng lãi suất huy động lên, kéo theo lãi suất cho vay tăng khiến chủ trương giảm lãi suất không thực hiện được.

 

Khoản vay cũ cũng được giảm


Tại buổi họp báo, bốn ngân hàng là: Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đã cam kết sẽ giảm lãi suất đối với cả các khoản vay cũ bắt đầu từ ngày 13/5.


Phó Tổng giám đốc Agribank - Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: Sẽ không còn những khoản vay chịu lãi suất trên 13% /năm từ ngày 13/5. Ông Hùng cũng thừa nhận, đây là một quyết định hết sức khó khăn với ngân hàng. Bởi những khoản vay chịu lãi suất 13 - 15%/năm của ngân hàng chiếm tới 48% tổng dư nợ. Đại diện Agribank cho hay: mức 13%/năm là lãi suất áp dụng cho những khoản dư nợ đến trước ngày 13/5. Còn lại, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp hiện của ngân hàng đã giảm xuống còn 10%/năm, trong đó có những khoản chỉ hưởng 6- 8%/năm. Tuy nhiên, với những lĩnh vực không ưu tiên thì mức lãi suất vay vẫn là 12,5%/năm.


Theo Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú, sau khi giảm lãi suất mọi khoản vay về 13%/năm thì ngân hàng thiệt hại trên 700 tỷ đồng. "Tuy nhiên, đây là điều bình thường bởi ngân hàng cũng là DN và cần chia sẻ khó khăn với các DN khác", ông Tú nói.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN