Đào tạo nghề cho lao động DTTS còn nhiều bất cập - Bài 3: Khoảng trống trong thực hiện đề án

Đề án 1956 được ban hành đến nay đã 4 năm, nhưng việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho lao động DTTS rất chậm, thậm chí một bộ phận người dân không biết đến chính sách này.


Không biết có đề án


Để lao động nông thôn, nhất là lao động DTTS, tham gia học nghề, thì điều căn bản nhất vẫn là khâu tuyên truyền, tư vấn nghề cho họ. Nhưng dường như từ khi triển khai Đề án 1956 đến nay, công tác này vẫn là một “khoảng trống” chưa được quan tâm. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi mà hiện nay, một bộ phận lớn lao động trong diện được thụ hưởng không hề biết về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của nhà nước.

 

Dạy cắt may là một trong những nghề được các tỉnh chú trọng, nhưng đầu ra cho các học viên cũng không nhiều.


Đơn cử xã Thanh Yên, ở vùng lòng chảo Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là địa phương có trình độ dân trí khá cao so với các vùng khác của huyện Điện Biên, giao thông lại tương đối thuận tiện. Nhưng chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi đa số người dân vùng này chưa hề biết đến chính sách đào tạo nghề theo Đề án 1956.


Ông Lò Văn Thái, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Thanh Yên, cho biết, thời gian qua, ông và thành viên trong chi hội nghề cá được đăng ký tham gia một số lớp tập huấn về trồng, chăm sóc lúa, kỹ thuật nuôi cá giống, cá thương phẩm do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, chứ không biết đến chương trình học nghề theo Đề án 1956. Sau khi được giải thích về Đề án 1956, không những được học nghề theo nhu cầu, điều kiện của bản thân, mà còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Thái liền nói: “Nếu đúng như vậy, không chỉ tôi mà các hộ trong bản đều mong muốn được đi học để có nghề, có kiến thức áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.


Nhiều huyện chưa có ban chỉ đạo


Phải khẳng định, một số địa phương chưa quan tâm đến việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động DTTS. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đến cuối năm 2012, trong 554 đơn vị hành chính cấp huyện của 51 tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS sinh sống vẫn còn 10 huyện chưa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956; trong 8.445 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 554 huyện này vẫn còn 613 xã chưa có ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Đặc biệt, trong 554 huyện vẫn còn tới 248 huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách.

 

Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ Dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Đề án 1956. Theo dự thảo, mức hỗ trợ tối đa cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách, lao động nghèo… tham gia học nghề được nâng lên mức 3 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày. Dự thảo cũng đã quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở quy mô lao động nông thôn, nhu cầu học nghề… ưu tiên cho các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và các địa phương có nhiều lao động người DTTS.


Một nguyên nhân khác làm cho Đề án 1956 chậm đi vào cuộc sống là do các bộ, ngành Trung ương không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.


Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã từng đặt câu hỏi: Vì sao Đề án được ban hành từ năm 2009, nhưng đến ngày 12/12/2012, Thông tư liên tịch của các bộ liên quan hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện mới được ban hành? Trước đó, cũng phải sau 7 tháng kể từ khi Đề án 1956 có hiệu lực thi hành, Bộ LĐTBXH mới có Thông tư liên tịch 112 ngày 30/7/2010, hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
Thừa nhận sự chậm trễ này, nhưng Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, Thông tư liên tịch 112 hướng dẫn thực hiện Đề án có ngay sau đó 7 tháng là sự cố gắng của Bộ. Còn Thông tư liên tịch hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện đến ngày 12/12/2012 mới được ban hành là do trong quá trình thực hiện ở các địa phương đã xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc.


Với những tồn tại, vướng mắc như hiện nay, nếu không kịp thời sửa đổi, khắc phục thì đến năm 2020, mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn, lao động người DTTS theo Đề án 1956 sẽ khó hoàn thành.


Bài và ảnh: Nhóm PV

Bài cuối: Cần khảo sát, đánh giá nhu cầu trước khi đào tạo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN