Cần quan tâm hơn đến tập huấn kỹ năng cho sinh viên tình nguyện

Mới đầu hè, một tai nạn thương tâm xảy ra với các tình nguyện viên của nhóm Niềm Tin tại Thái Nguyên đã làm nhiều người lo lắng, băn khoăn về việc tập huấn kỹ năng cho sinh viên tình nguyện. PV Tin Tức đã có cuộc trao đổi với anh Vũ Minh Lý (ảnh), Phó Trưởng Ban Thanh niên xung phong (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam về vấn đề này.

Thưa anh, các tình nguyện viên hoạt động ở vùng sâu, vùng xa đang thiếu những kỹ năng gì?


Hoạt động tình nguyện cho dù ở địa bàn đô thị, nông thôn hay vùng sâu hay trên lĩnh vực nào thì cũng cần có kế hoạch, khảo sát, tập huấn kỹ lưỡng trước khi triển khai và có sự phân công, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá thường xuyên.


Tuy nhiên, hoạt động tình nguyện ở vùng sâu thì kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và vai trò của người trưởng nhóm là rất quan trọng. Bên cạnh đó, đòi hỏi tình nguyện viên phải có ý thức kỷ luật rất cao, đồng thời phải được trang bị kỹ năng sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm.


Với các đội, nhóm tình nguyện do các cấp bộ Đoàn, Hội thành lập, tổ chức, các tình nguyện viên phải được phổ biến nội dung, chương trình, được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Nếu đi dài ngày thì sự chuẩn bị cần phải chu đáo hơn, như: được tập huấn về sơ cấp cứu, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men...
Tuy nhiên, các đội, nhóm tình nguyện tự lập thì do nguồn lực còn hạn chế nên việc trang bị các đồ dùng phương tiện cần thiết, cũng như việc tập huấn kỹ năng tự bảo vệ ít được quan tâm hơn.

Đoàn viên, thanh niên tỉnh Hậu Giang tổ chức thu vớt rác trên kênh rạch. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Để phát huy hiệu quả của hoạt động tình nguyện, đặc biệt là tại các vùng sâu, tránh những tai nạn đáng tiếc như vừa qua, các hoạt động tình nguyện cần có những lưu ý đặc biệt gì, thưa anh?


Các hoạt động tình nguyện cộng đồng (tự phát) trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm với nhiều hoạt động hết sức phong phú, đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, chăm sóc người già, người vô gia cư, bệnh nhân nghèo... và mang lại những hiệu quả nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.


Các câu lạc bộ, đội, nhóm được thành lập xuất phát từ nhu cầu chia sẻ với cộng đồng, từ sở thích và đam mê tình nguyện, hoạt động không phụ thuộc vào bất kỳ sự quản lý của tổ chức nào. Để tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên và thể hiện vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn trong hoạt động tình nguyện, tổ chức Đoàn ở các cấp luôn vận động, cũng như thường xuyên tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp trong các hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, đội, nhóm.


Tuy nhiên, để các hoạt động tình nguyện tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có hiệu quả, thiết thực và an toàn, các câu lạc bộ, đội, nhóm tham gia hoạt động tình nguyện tại vùng sâu, vùng xa nhất thiết phải có kế hoạch cụ thể và nên sớm liên hệ với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để nhận được sự trợ giúp từ các cơ sở Đoàn và chính quyền địa phương.

 

Việc điều phối của Đoàn với các hoạt động tình nguyện sẽ có vai trò ra sao để khắc phục dần những hạn chế đó, thưa anh?


Ở cấp Trung ương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam -VVIRC (có văn phòng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh) để kết nối với các tổ, nhóm tình nguyện khắp mọi miền Tổ quốc, đồng thời điều phối các nguồn lực tình nguyện. Ngay từ khi thành lập Mạng lưới năm 2012, đã có hơn 100 câu lạc bộ, đội, nhóm đăng ký tham gia. VVIRC sẽ hỗ trợ tình nguyện ở Việt Nam qua nhiều hình thức: cập nhật những tin tức mới nhất về các vấn đề liên quan đến tình nguyện viên, tổ chức liên quan đến tình nguyện và những hoạt động tình nguyện ở Việt Nam và nước ngoài; kết nối các cá nhân và tổ chức để cùng nhau thúc đẩy hoạt động tình nguyện.


Xin cảm ơn anh!


Nhật Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN