Báo động đạo đức lái xe taxi

Dùng đủ chiêu để “móc túi” hành khách, thiếu văn hóa trong giao tiếp ứng xử... là những hình ảnh của không ít lái xe taxi hiện nay. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan hữu quan, nhất là các doanh nghiệp taxi cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cho các lái xe, nhằm xây dựng lại hình ảnh của đội ngũ lái xe taxi đối với hành khách.

 

Lực lượng thanh tra kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hoạt động vận tải hành khách của xe taxi tại Hà Nội. Ảnh: CTV

 

Taxi nhiều, quản lý kém


Theo Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện có 117 doanh nghiệp taxi, với khoảng 17.000 xe đồng loạt hoạt động với gần 20.000 lái xe. Loại hình vận tải này đã giải quyết được nhu cầu đi lại rất lớn cho người dân và hỗ trợ đắc lực cho vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh về số lượng xe và phân bố không đồng đều tại các quận, huyện đang làm nảy sinh nhiều bất cập. Trong quản lý đối với loại phương tiện này, hệ quả là hành khách phàn nàn rất nhiều về đạo đức lái xe. Theo thống kê, có tới 80% số lái xe taxi trong nghề tại Hà Nội là người ngoại tỉnh, nhiều người trong số này không được đào tạo bài bản, trong khi đó, quy trình tuyển dụng của các hãng taxi lại rất đơn giản.


Số doanh nghiệp taxi tuy nhiều nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ: Doanh nghiệp có dưới 50 xe chiếm 43%, từ 50 đến 100 xe chiếm 18%, trên 100 xe chiếm 39%, chủ yếu là xe cũ. Bên cạnh các hãng taxi lớn như Mai Linh, Thủ Đô... đã khẳng định được thương hiệu, uy tín về chất lượng phục vụ hành khách, thì không thiếu doanh nghiệp chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ, buông lỏng trong quản lý đào tạo, tuyển dụng, giám sát... lái xe. Các vụ lái xe taxi “chặt chém” hành khách bị phát hiện, xử lý thời gian qua đang làm xấu hình ảnh taxi thủ đô.


Còn theo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, qua các đợt tổng kiểm tra hoạt động taxi từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã phát hiện quá nhiều vi phạm. Để ăn gian tiền cước của hành khách, nhiều lái xe taxi đã gắn chíp vào đồng hồ tính cước rồi sử dụng điện thoại để điều khiển. Hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ của các lái xe ngày càng gia tăng... Điển hình là các hành vi của các hãng taxi Ngọc Linh, Hương Lam, Sông Hồng, Trung Việt... Những vi phạm này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các cơ quan quản lý về mức độ xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ lái xe.


Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng: Các cơ quan quản lý đang nặng về thủ tục hành chính như cấp phép, phù hiệu, kiểm tra... mà chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức cho lái xe. Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Hoàng Văn Mạnh cho biết thêm, hiện có quá ít hãng taxi, không chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng phục vụ, mà chỉ chạy theo doanh thu. Đó là khoảng trống trong quản lý nhà nước hiện nay.

 

Cần bồi dưỡng đạo đức lái xe


Hiệp hội taxi Hà Nội đã lập đường dây nóng theo số 04 37710851 và 04 38525252 để kịp thời tiếp nhận những thông tin phản ánh của hành khách về những bất cập của loại phương tiện này.

Đến nay, việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho lái xe taxi chỉ được ít doanh nghiệp quan tâm. Còn các trung tâm đào tạo cũng chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng lái xe cho học viên, mà ít quan tâm bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp của lái xe. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định hay chế tài đủ mạnh để xử lý vấn đề này.


Trước thực tế này, thay vì chờ đợi những động thái mới từ phía cơ quan quản lý, để giữ thương hiệu và uy tín, một số doanh nghiệp như Mai Linh, Thăng Long... đã tự tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức, văn hóa tham gia giao thông cho lái xe. Song, so với số lượng lớn các doanh nghiệp taxi đang hoạt động thì việc làm trên cũng chỉ như “muối bỏ biển”.


Theo ông Hoàng Văn Mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất nội dung về quy định bồi dưỡng đạo đức lái xe; đồng thời sau khi tập huấn phải có cơ quan sát hạch về chất lượng, thì lái xe mới được cấp chứng chỉ hành nghề.


Bộ GTVT đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 14/2010/TT - BGTVT về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó có quy định cụ thể việc doanh nghiệp phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm biên soạn, phát hành tài liệu, hướng dẫn các đợt tập huấn và Sở GTVT là đơn vị giám sát. Hy vọng, Thông tư đi vào cuộc sống, taxi Hà Nội sẽ lấy lại được hình ảnh trong lòng hành khách.


Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN