Đây là hoạt động do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số đơn vị tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo từ các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh: Trong mấy năm gần đây, ngành giáo dục có sự vận động theo xu thế chung, với nhiều thay đổi từ phương thức đào tạo, loại hình trường... Bối cảnh thế giới cũng có những biến đổi rất quan trọng, trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0. Việc hội nhập là cơ hội nhưng cũng đòi hỏi sự cạnh tranh, trước hết ở chất lượng của đội ngũ lao động, chất lượng đào tạo, cấu trúc đội ngũ lao động, từ đó thúc đẩy các loại hình đào tạo, mạng lưới đào tạo. Vì vậy, vấn đề quan trọng cần xem xét đó là tự chủ giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong bối cảnh mới.
Hội thảo lần này là cơ hội để các nhà khoa học, các trường cùng nhau trao đổi, tiến tới thống nhất nhận thức, từ đó triển khai giải pháp cụ thể nhằm sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh trạnh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới ngày càng quyết liệt hơn. Trong bối cảnh đó, nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước. Muốn khai thác và phát huy tốt nguồn nhân lực đó, Việt Nam phải có một nền giáo dục mở hiện đại, có hệ thống mạng lưới được sắp xếp khoa học, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam, với tư duy đổi mới không ngừng.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lâm Quang Thiệp (Trường Đại học Thăng Long) cho rằng: Muốn giảm bớt những cản trở trên con đường phấn đấu để có các trường đại học đẳng cấp thế giới, cần thay đổi hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu điều chỉnh các mô hình đại học để có các đại học đa lĩnh vực thật sự. Các điều chỉnh này liên quan đến toàn hệ thống và trước hết là các trường đại học hàng đầu. Với tính bảo thủ nặng nề của hệ thống, quá trình thay đổi này không đơn giản. Việc thay đổi chỉ có thể thành công nếu có quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng và Nhà nước.
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Việt Nam cần xây dựng một nền giáo dục đổi mới, thực học, nhân bản, khai sáng và hệ thống giáo dục mở. Trong đó, cách dạy phải phát huy tối đa năng lực tư duy độc lập của người học; thực hiện tự chủ đại học và tự do học thuật. Đồng thời, cả nước cần tăng mạnh tỷ lệ của khu vực ngoài công lập, tạo sân chơi bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập cũng như bảo đảm tính liên thông trong hệ thống giáo dục; đa dạng về phương thức đào tạo và phát huy vai trò của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, giáo dục cần thay đổi theo hướng thoáng mở đầu vào và quản lý chặt chẽ đầu ra, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục đúng thực chất.