Động lực mới tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Hiện cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong số đó, hơn 1.500 trường trung cấp, cao đẳng thuộc diện công lập. Có 3 trường đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ là Cao đẳng Kỹ nghệ 2 Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Lilama 2 Đồng Nai và Cao đẳng Bình Định.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau 1 thời gian thí điểm, các trường này có sự tăng trưởng mạnh về số lượng và chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều hơn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Hiệu phó Trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh Hà Nội cho biết: Năm 2019, trường được giao tự chủ 90% và tiến tới tự chủ toàn phần trong các năm tiếp theo. Tự chủ là động lực cho cơ sở đổi mới, thích ứng với thị trường lao động, việc làm. Nhà trường trong năm qua đã cắt giảm tối đa bộ phận gián tiếp, các khoa và thầy cô cũng phải năng động hơn trong tuyển sinh, nâng cao trình độ đáp ứng thay đổi về kỹ thuật, công nghệ
Tương tự, nhận thức xu hướng tự chủ này, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khẳng định đã sẵn sàng tự chủ toàn phần nếu được cơ quan quản lý cấp phép. Tuy nhiên quá trình tự chủ phải có lộ trình, phân chia theo đặc thù từng nghành nghề. “Đơn cử như với khối ngành kỹ thuật sẽ khó khăn hơn với ngành kinh tế - xã hội do phải đầu tư nhiều hơn”, đại điện trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội cho biết.
Cơ cấu việc làm và nghề nghiệp tại Việt Nam nằm ở các ngành sản xuất, dịch vụ có giá trị gia tăng thấp, trong đó có tới 76% lao động làm việc tại các hộ nông nghiệp, hộ kinh doanh hay là lao động không hợp đồng. Điều này cho thấy, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề. Việc tự chủ gắn với quá trình rà soát, quy hoạch lại trường nghề tại các địa phương là cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao …
Khuyến nghị cơ chế và chính sách
Tuy nhiên, việc tự chủ trong GDNN thực hiện với lộ trình như thế nào đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý. GS.TS Gebhard Hafer - Hiệu trưởng Trường BBW University of Applied Science (Đức) chia sẻ: “Ở Đức hiện có hơn 60% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi vào học nghề. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các cơ sở GDNN phải thường xuyên cập nhật những yêu cầu về năng lực mà doanh nghiệp đòi hỏi. Có 4 trụ cột quyết định sự thành công của GDNN mà vai trò dẫn đầu là chính phủ. Tại Đức, chính phủ đóng vai trò cấp ngân sách cho các cơ sở GDNN. Thứ đến là các công ty, doanh nghiệp, hiệp hội đóng góp 30% nguồn lực cho GDNN”.
GS.TS Gebhard Hafer cho rằng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn liền giữa doanh nghiệp và nhà trường. Vì vậy, cần có một cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp và nhà trường phối hợp với nhau một cách linh hoạt trong các quy trình về xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…
Ông Pablo Ariel Acosta – Chuyên gia cao cấp các vấn đề kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng: “Tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp là tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam. Quan trọng là chính phủ sớm có những chủ trương, chính sách hợp lý hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ”.
Trong quá trình góp ý về quá trình tự chủ, lãnh đạo một số cơ sở GDNN cho rằng: Bất cập lớn trong tự chủ hiện nay là đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của Nhà nước.
Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nghị định sẽ mở ra nhiều cơ chế, thuận lợi sẽ là động lực đột phá của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong 2 năm qua, các cơ sở GDNN đã luôn tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu.