Thương quá mùa xuân ơi!

Hồi còn nhỏ, những ngày giáp Tết, tôi thường chạy tung tăng ra trước cửa nhà và cảm nhận rõ rệt cả bức tranh mùa xuân tươi đẹp trải ra trước mắt.

Ấy là những cành đào phai, đào thắm, những cành mai được người bán hàng rong chằng buộc cẩn thận trên chiếc xe đạp đã cũ, những gánh hàng hoa với đủ loài đặc trưng như hoa cúc, thược dược, lay ơn hay violet... khiến tôi cứ mê mải ngắm nhìn mà không biết chán.

Kỷ niệm về những lần gói bánh chưng với bà còn mãi trong tôi. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.

Điều tôi thích nhất là được ngắm nhìn khung cảnh ấy dưới thời tiết mưa xuân lất phất, tất cả dường như trở nên tươi tắn và tràn trề nhựa sống hơn bao giờ hết.


Violet là một trong số những loài hoa mà tôi yêu thích nhất, không chỉ đơn thuần nó là loài hoa biểu trưng cho sự chung thủy như mọi người thường nói, mà tôi yêu nó hơn bởi màu tím thơ mộng, bởi cánh hoa mong manh, thuần khiết và đặc biệt hơn cả là bởi mẹ tôi vẫn thường hay trang trí nó trong nhà vào những ngày Tết.


Nhưng nếu chỉ có vậy thì có lẽ vẫn chưa đủ để khơi dậy cảm xúc về những ngày xuân ấy. Ký ức về mùa xuân trong tôi còn là những cơn mưa lất phất, chỉ đủ làm dịu êm tâm hồn, chứ không làm ướt bất kỳ thứ gì... Đó là thứ cảm xúc mà rất lâu rồi tôi không có được. 


Và rồi, tôi hào hứng hơn bởi những phiên chợ bày bán cơ man nào lá dong, nào lạt, nào ống nứa, nào bưởi, nào quất và cả những chú gà trống mái chen chân nhau trong lồng... Thành phố thường ngày vốn dĩ nhỏ bé, yên bình bỗng chốc trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi những âm thanh huyên náo.


Điều khiến tôi nhớ mãi, đó là hình ảnh người người, nhà nhà thu vén, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mổ lợn, gói bánh chưng. Ai nấy cũng vội vã, hối hả hơn ngày thường và giai đoạn chuẩn bị ấy có lẽ là Tết hơn cả. Tôi nhớ màu xanh non của lá dong được những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ gói thành những chiếc bánh chưng vuông vức. Màu trắng của những chiếc lạt bao quanh vừa giúp chắc chắn vừa tăng thêm tính thẩm mỹ, riêng biệt...


Về phần gia đình mình, năm nào bọn trẻ con chúng tôi cũng tranh giành nhau chiếc bánh chưng tày nhỏ xíu xinh xinh mà bà ngoại gói cho. Bà ngoại rất khéo léo trong việc nội trợ, đặc biệt là gói bánh chưng, cả bánh vuông và bánh tày (người miền Nam thường gọi là bánh Tét). Việc gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết có lẽ là phong tục duy nhất mà đại gia đình tôi còn duy trì và giữ lại. Khi đó cả gia đình lại tập trung đông đủ con cháu, mỗi người một việc, ai cũng hồ hởi.


Còn nhớ ngày Tết năm ấy, tôi xung phong ngủ với bà ngoại từ đêm hôm trước để sáng sớm hôm sau dậy gói bánh. Cả đêm trằn trọc không sao ngủ nổi, cảm giác háo hức, sung sướng như vừa được khoác lên mình một chiếc áo mới. Sáng sớm hôm sau, bà vừa trở mình thì tôi cũng thức giấc, tôi xung phong cắt lá bánh, một cách cặm cụi và cần mẫn...


Thế rồi, khi đang say sưa thì bất chợt giật mình bởi tiếng thất thanh của bà: "Trời ơi! hỏng hết lá bánh rồi con ơi!", bà mắng yêu: " Cha cô, lần sau không biết phải hỏi bà chứ". Thế rồi, bàn tay lại lúng túng, vụng về bẻ từng góc lá, bỏ gạo, bỏ nhân... cuối cùng cũng hoàn thành một chiếc bánh chưng, cảm giác sao hạnh phúc, khó tả!!! 


Nhưng vui nhất có lẽ là thời điểm canh nồi bánh chưng, trong cái rét mướt của mùa đông, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, cười nói vui vẻ, tám với nhau những câu chuyện cuối năm. Lũ trẻ con chúng tôi lúc đầu hồ hởi, háo hức, nhưng chỉ vài phút sau đứa nào đứa nấy ngủ vùi trong lòng bố mẹ.


Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in lời bà ngoại nói với mấy đứa cháu gái năm nào: "Chúng mày đứa nào cũng phải học nữ công gia chánh, dần dần bà sẽ dạy gói bánh để sau này về nhà chồng còn biết mà lo toan, vun vén".


Thời gian trôi nhanh quá! Thấm thoát đã cả chục năm, lũ cháu gái ngày nào giờ đã con bồng con bế và một cái Tết nữa lại sắp gõ cửa từng nhà. 


Nhưng việc gói bánh chưng của lũ chúng tôi vẫn vụng về như thế, đứa cháu nào cũng biết gói bánh chưng, nhưng tuyệt nhiên không đứa nào gói bánh khéo như ngoại và cũng chẳng có đứa nào có thời gian để ngồi bên bà, cặm cụi và cần mẫn như ngày Tết năm nào. 


Ngoài kia người ta đã bắt đầu bày bán đào, quất, mai, những gánh hàng hoa đã bắt đầu tưng bừng xuống phố. Trong lòng bỗng thấy ngậm ngùi khó tả và bất chợt ngân lên những tiếng rạo rực: "Nhớ quá! Thương quá! Mùa xuân ơi!..."


Q.N
Giáng sinh an lành
Giáng sinh an lành

Không ai còn ra sức bảo vệ rằng đúng là có một ông già Noel mỗi năm một lần ban tặng hanh phúc. Bọn trẻ giờ cũng biết đọc biết lục lọi mạng từ sớm và tinh thông, để biết ông già tặng quà chỉ là truyền thuyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN