'Nếu khó khăn cứ lấy một phần - nếu bạn ổn xin nhường người khác'

Những ngày này, tại thành phố Buôn Ma Thuột, không khó khi bắt gặp các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hay một số nhà dân đặt những phần quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, gạo, nước, bánh mì… trước nhà với dòng chữ “Nếu khó khăn cứ lấy một phần - nếu bạn ổn xin nhường người khác”.

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Ở Đắk Lắk, mặc dù chưa có ca bệnh nào dương tính với virus SARS-CoV-2, song dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân trên địa bàn, đặc biệt là những người yếu thế, những người đang phải chật vật mưu sinh. Trước tình hình đó, các cá nhân, tổ chức, đơn vị đã có nhiều hoạt động sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là truyền thống tốt đẹp vốn có từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thành phố Buôn Ma Thuột phát nhu yếu phẩm cho người dân.

“Nếu khó khăn cứ lấy một phần - nếu bạn ổn xin nhường người khác”

Những ngày này, tại thành phố Buôn Ma Thuột, không khó khi bắt gặp các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hay một số nhà dân đặt những phần quà gồm nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, gạo, nước, bánh mì… trước nhà với dòng chữ “Nếu khó khăn cứ lấy một phần - nếu bạn ổn xin nhường người khác” hoặc đem phân phát tận tay những người bán vé số, thu mua ve chai, chạy xe thồ. Những phần quà tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa tinh thần lớn, đặc biệt là trong những ngày vé số tạm dừng phát hành, người dân giãn cách xã hội, ít ra khỏi nhà khiến thu nhập của một số bộ phận người dân ngày càng chật vật.

Ghi nhận vào ngày 6/4 tại 32 Quang Trung, một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phát các phần quà gồm bánh mì, nước, mì tôm cho những người có thu nhập bấp bênh. Thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về không tụ tập đông người, đơn vị bố trí các nhân viên đứng cách nhau 2 m, người đo thân nhiệt, người giúp người dân rửa tay sát khuẩn, người phát nhu yếu phẩm. Được biết, việc phát nhu yếu phẩm của đơn vị này diễn ra từ ngày 6-10/4, tại địa chỉ 32 Quang Trung và 8 Hai Bà Trưng, thành phố Buôn Ma Thuột. Từ ngày 7/4, mỗi phần quà phát sẽ có thêm 2 kg gạo.

Bà Nguyễn Thị Phụng, 59 tuổi, huyện Cư M’Gar lên thành phố Buôn Ma Thuột thuê phòng trọ ở và mua bán ve chai khoảng 10 năm nay chia sẻ, trước đây thu nhập từ nghề ve chai cũng giúp gia đình bà đủ sống. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đại lý đóng cửa không thu mua, giá thu mua giấy thấp chỉ còn 500 đồng/kg, những người như bà khó khăn lại càng thêm khó khăn, phải đi xin gạo về ăn qua ngày. Không chỉ bà, xóm trọ của bà là những người bán vé số, chạy xe ôm cũng chịu cảnh tương tự, ở đâu có phát gạo, mì tôm miễn phí là mọi người gọi nhau qua đó lấy để sống qua ngày.

Tương tự, ông Hùng Vương, làm nghề xe thồ ở thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách đi xe thồ ngày càng ít, nhiều hôm không có khách, hàng hóa để ông nhận đi giao cũng không có nên thu nhập hàng ngày không đủ tiêu. Thế nhưng những ngày này, nhiều nơi phát nhu yếu phẩm miễn phí đã giúp ông vơi bớt khó khăn, cảm thấy vui vẻ, phấn chấn lên hẳn.

Không chỉ phát nhu yếu phẩm miễn phí, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã miễn, giảm tiền thuê nhà đối với sinh viên, người đi làm. Gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột có tới 9 phòng trọ cho thuê từ nhiều năm nay, thu nhập trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Những ngày này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sinh viên thuê phòng trọ đa số xung phong tham gia các đội tình nguyện xung kích chống dịch, người đi làm thì bị giảm sút tiền lương. Do đó, chị Lê Thị Thanh Huyền đã quyết định giảm tiền trọ tháng 3 và miễn tiền trọ tháng 4. Theo chị Lê Thị Thanh Huyền, dịch COVID-19 là nỗi buồn cho toàn nhân loại, vì vậy gia đình chị cũng muốn góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ những người không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mà trước hết là giúp đỡ những người thân cận xung quanh mình.

Chị Lê Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, các bạn sinh viên đã hăng hái xung phong tăng cường về các cơ sở, không ngại gian khó đóng góp sức trẻ vào công cuộc “chống dịch như chống giặc”, việc miễn, giảm tiền thuê trọ của gia đình chị hy vọng sẽ giúp các bạn sinh viên có thêm động lực cống hiến nhiều hơn nữa, còn những người đi làm có thể chắt chiu chi tiêu để vượt qua những tháng ngày khó khăn này.

Hỗ trợ người bán vé số

Bên cạnh đó, những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao gửi những phần quà như bánh mì, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn cho các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch, các chiến sỹ và người dân trong các khu cách ly và cả những người nghèo, người có thu nhập thấp, người dân nơi biên giới. Nhiều cá nhân, đơn vị, địa phương đã thực sự là cầu nối thiết thực giữa các nhà hảo tâm với những địa chỉ cần thiết.

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ bị tật nguyền bán vé số chở gạo về nhà sau khi được UBND phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột phát. 

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, ngày 5/4, UBND phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột đã cùng với nhà hảo tâm chở 4 tấn gạo đi dọc các tuyến đường để phát cho người nghèo. Để giúp đỡ người dân nghèo vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19, phường đã kêu gọi sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, mỗi người một việc phòng, chống dịch. Để tránh tụ tập đông người, thay vì thông báo địa điểm để người dân đến nhận như trước, phường dùng xe tải chở đi phát cho người dân. Việc làm của phường Thống Nhất đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn và các cấp chính quyền.

Ngày 6/4, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã ký ban hành Công văn đồng ý chủ trương hỗ trợ người bán vé số trên địa bàn tỉnh với mức 30 ngàn đồng/người/ngày, trong thời gian vé số trên địa bàn ngưng phát hành (từ ngày 1/4 - 15/4). Có thể nói đây là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với những người bán vé số trên địa bàn tỉnh.

Những câu chuyện đẹp về tình người đang ngày ngày diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đó không chỉ là ổ bánh mì, bao gạo, chiếc khẩu trang.. mà còn là tấm lòng nhân ái giữa người với người trong đại dịch, thắp lên những ngọn lửa làm ấm lòng những người còn đang phải chật vật mưu sinh, tiếp thêm nghị lực để họ nỗ lực phấn đấu, vươn lên. Mong rằng những nghĩa cử cao đẹp này sẽ ngày càng được lan tỏa, nhân rộng những việc làm tử tế và những tấm gương nhân hậu.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Nhiều điểm phát miễn phí thực phẩm lan tỏa thông điệp nhân văn trong dịch COVID-19
Nhiều điểm phát miễn phí thực phẩm lan tỏa thông điệp nhân văn trong dịch COVID-19

"Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác. Mỗi người một gói, không sợ hết, chỉ lấy đủ dùng. Chia sẻ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19". Đó là thông điệp đang xuất hiện ngày một nhiều thêm trên khắp đường phố Thủ đô, giữa lúc tình hình căng thẳng của dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN