Ngày 23/6, chia sẻ với phóng viên Báo Tin tức, anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam, chủ nhân ý tưởng "Tủ lạnh cộng đồng" tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là ý tưởng từ nhóm người trẻ của Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam) nhằm khuyến khích người lao động khó khăn tự nhận thực phẩm được hỗ trợ về nấu ăn, giảm thiểu việc tụ tập đông người trong mùa dịch. Theo đó, thay vì nhận trực tiếp những suất ăn đã nấu sẵn như trước đây, "Tủ lạnh cộng đồng" sẽ tiện lợi hơn, đặc biệt đảm bảo an toàn hơn cho mọi người khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Được biết, mô hình "Tủ lạnh cộng đồng" đã xuất hiện ở Mỹ, Pháp từ lâu. Đây là giải pháp giúp tránh lãng phí lương thực, người dân có thể trao đổi thực phẩm với nhau thay vì bỏ phí không dùng tới. Tại Việt Nam, anh Nguyễn Tuấn Khởi cũng đã thực hiện mô hình này từ đợt dịch bệnh năm 2020, nay anh tiếp tục thực hiện trở lại để giúp đỡ nhiều người dân khó khăn trong thời điểm này.
"Chúng tôi mong muốn đây là giải pháp thiết thực giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn mau chóng vượt qua mùa dịch. Ngoài tủ lạnh, chúng tôi cũng chuẩn bị thêm các loại thực phẩm tươi bên ngoài để người dân đến nhận về nấu. Mổi người dân đến nhận thực phẩm đều phải đảm bảo thông điệp 5K để phòng, chống dịch hiệu quả", anh Tuấn Khởi nói.
Theo anh Nguyễn Tuấn Khởi, nguồn thực phẩm cung cấp cho "Tủ lạnh cộng đồng" ban đầu chủ yếu từ những đơn vị ủng hộ cho chương trình hoạt động "Bếp yêu thương" trước đó của Food Bank như: C.P. Việt Nam, GC Food, Lương Gia Food... Gần đây nhất có thêm Bếp Tiền Phương (Nhà hàng Mãn Tự, Quận 1), Bếp yêu thương The Love Kitchen (Nhà hàng Bốc, Quận Bình Thạnh) cũng tham gia vào cung cấp thực phẩm.
"Hiện thực phẩm được mọi người ủng hộ về ngày càng nhiều, chúng tôi dự định sẽ phát triển thêm 10 "Tủ lạnh cộng đồng" tại 10 điểm nữa trên toàn thành phố. Mục đích là để ai cần thực phẩm cứ đến nhận, ngược lại nếu những ai có lòng muốn chia sẻ thực phẩm cho người dân cũng có thể đến gửi vào chiếc tủ lạnh này", anh Nguyễn Tuấn Khởi nói thêm.
Để duy trì nguồn thực phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, anh Nguyễn Tuấn Khởi cũng đang huy động mọi người dân nếu có tủ lạnh không dùng đến ở thời điểm này, hãy chung tay san sẻ cùng. Nếu ai muốn xây dựng mô hình "Tủ lạnh cộng đồng" tại các quận, huyện thì báo cho nhóm anh Khởi, đơn vị Food Bank sẽ trung chuyển thực phẩm đến tận nơi để nhân rộng mô hình, đồng thời cũng giúp người dân thành phố vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Ngoài mô hình "Tủ lạnh cộng đồng", nhóm anh Khởi còn đang duy trì 4 bếp ăn "đỏ lửa" theo chương trình "Bếp yêu thương" để thường xuyên phục vụ các khu vực phong tỏa, cách ly với khoảng 10.000 suất ăn mỗi ngày.
Tủ lạnh cộng đồng là mô hình đã có mặt nhiều nơi trên thế Giới, nó xuất hiện đầu tiên từ các nước Mỹ, Pháp, Thái Lan... Theo đó, mô hình này đã tận dụng những chiếc tủ lạnh đã cũ. "Tủ lạnh cộng đồng" được đặt trên vỉa hè các quán cà phê, nhà hàng hay một khu vực nào đó đảm bảo đủ nguồn điện, an ninh tốt để giữ cho thực phẩm tươi sạch. Người cần thực phẩm có thể đến lấy, người muốn trao thực phẩm cũng có thể gửi tại đây. Mô hình được xem như một ngân hàng thực phẩm mini do cộng đồng tự quản.
Trong ngày 23/5, chỉ cần xếp hàng vài phút là cô Đỗ Thị Hoa, ngụ ở phường 15, quận Bình Thạnh đã nhận 10 quả trứng gà và hai bó rau xanh. Cô Đỗ Thị Hoa cho biết: "Tôi biết đến "Tủ lạnh cộng đồng" thông qua một trang mạng xã hội, thấy mô hình này rất hay và ý nghĩa vì giúp cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn như tôi có thêm thực phẩm tươi hàng ngày, không lo bị đói trong mùa dịch bệnh. Vì vậy, tôi đã đến đây xin 2 bó rau xanh và 10 quả trứng gà mang về cho một người hàng xóm không đi lại được và một gia đình công nhân ở gần nhà cô tôi".