Tòa nhà chính của bảo tàng là Cung điện Mikhailov, kiến trúc Nga nổi tiếng đầu thế kỷ 19 và cũng là một trong những công trình đẹp nhất ở trung tâm thành phố. Cung được xây dựng riêng cho Đại công tước Mikhail Pavlovich, con trai út của Sa hoàng Pavel I trong thời gian rất ngắn với chỉ 6 năm (1819-1825) theo thiết kế của thiên tài kiến trúc Carlo Rossi. Cung Mikhailov nằm ở trung tâm thành phố và từ Đại lộ Nevsky có thể nhìn thấy mặt tiền của cung.
Bảo tàng Quốc gia Nga là bộ sưu tập nghệ thuật Nga lớn nhất thế giới. Đây là bảo tàng nghệ thuật đầu tiên của Nga, do Sa hoàng Alexander III khởi xướng. Bảo tàng được khai trương ngày 19/3/1898. Nền tảng của bảo tàng là các tác phẩm nghệ thuật được bàn giao từ Cung điện Mùa đông, Cung điện Gatchina và Cung điện Alexander, từ Hermitage và Học viện Nghệ thuật, cũng như từ các bộ sưu tập tư nhân tặng cho bảo tàng.
Nơi này gồm hơn 400.000 hiện vật ở tất cả các giai đoạn và xu hướng chính trong lịch sử nghệ thuật Nga, tất cả các loại hình và thể loại chính, các xu hướng và trường phái nghệ thuật Nga trong hơn 1.000 năm, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XXI.
Gian trưng bày đầu tiên, sau khi đi lên cầu thang của khu sảnh tuyệt đẹp, là những tác phẩm nghệ thuật của Nga giai đoạn từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14. Đáng chú ý trong số này là bức tranh thánh “Thiên thần tóc vàng”, một trong những bức tranh thánh cổ nhất của nước Nga, do nghệ nhân ở Novgorod thực hiện cuối thế kỷ 12. Tiếp đến là bức tranh gỗ hai thánh Boris và Gleb được vẽ vào giữa thế kỷ 14 tại công quốc Novgorod hoặc Tver.
Bảo tàng Quốc gia Nga sở hữu một bộ sưu tập các tác phẩm độc đáo của Carlo Bartolomeo Rastrelli. Tác phẩm của ông là nền tảng cho việc thành lập trường điêu khắc quốc gia. Xuất thân từ Florentine, nổi tiếng ở Paris, Rastrelli đã tìm thấy những điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng của mình chỉ ở Nga. Bức tượng bán thân Sa hoàng Piotr Đại đế là tác phẩm xuất sắc của Rastrelli với tư cách họa sĩ vẽ chân dung. Bản sao chép của bức tượng bán thân này có thể chiêm ngưỡng trong nhà ga Moskovskyi ở St. Petersburg ngay khi bạn đi tàu hỏa từ Moskva đến. Nói đến Rastrelli ta cũng không thể không nhắc đến bức tượng theo tỷ lệ thật Nữ hoàng Anna Ioannovna cùng chú bé da đen sáng tác năm 1741. Đây là tác phẩm biểu tượng cho thời kỳ cứng rắn và chuyên quyền, đã đi vào lịch sử nước Nga với tên gọi Thời đại Biron.
Tiếp đó, ta có thể xem những tác phẩm kinh điển của họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu nước Nga thế kỷ XVIII, Dmitry Levitsky. Đó là 7 bức chân dung các học viên Học viện Smolny danh giá dành cho các thiếu nữ quý tộc mà Levitsky vẽ theo yêu cầu của Nữ hoàng Ekaterina II.
Cái tên nổi tiếng tiếp theo là họa sĩ tranh màu nước Karl Pavlovich Brullov. Ông được coi là nhân vật chủ chốt trong quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa tân cổ điển Nga sang chủ nghĩa lãng mạn. Tại bảo tàng, bạn có thể chiêm ngưỡng tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của Brullov - bức tranh khổng lồ, hoành tráng "Ngày cuối cùng của Pompeii". Nó được Hoàng tử Anatoly Demidov giàu có đặt vẽ và Brullov đã mất khoảng 6 năm để hoàn thành bức tranh này.
Hội họa Nga cũng còn nhiều bức tranh đậm chất cố điển, hoành tráng khác như bức “Cái chết của Camilla, em gái Horace” hay bức “Con rắn đồng” của họa sĩ Nga gốc Italy Fyodor Bruni.
Với những người yêu các bức họa về biển, tên tuổi của họa sĩ lãng mạn Nga Ivan Aivazovskyi không thể không nhắc đến. Aivazovsky hơn ai hết đã thể hiện được sức mạnh vô tận và sự hấp dẫn đầy quyến rũ của biển. Những trạng thái khác nhau của nó – lúc giận dữ uy nghiêm, khi trầm tĩnh uyên thâm, có lúc lại lặng đi trong đê mê trong những bức tranh của ông. Bức tranh nổi tiếng nhất của Aivazovsky về đề tài biển là bức “Cơn sóng thứ chín” vẽ năm 1850. Bức tranh này được rất nhiều người dừng lại chiêm ngưỡng và chụp ảnh tại bảo tàng.
Ngoài ra còn có thể kể đến những bức tranh đậm chất Nga hiện đại như bức “Thời điểm thu hoạch” của họa sĩ người Nga Grigory Myasoedov. Tác phẩm kết hợp các yếu tố của thể loại đời thường và phong cảnh, dành riêng cho chủ đề nông dân lao động trong vụ mùa. Bức “Người Cossack Zaporozhe viết thư cho sultan Thổ Nhĩ Kỳ”, họa phẩm anh hùng ca của tác giả Ilya Repin thể hiện sự tự tin vui vẻ của những người Cossack hay bức tranh “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của họa sĩ Ilya Repin.
Với tôi, cũng như những người tới tham quan bảo tàng, kho tàng nghệ thuật khổng lồ này của nước Nga quả là tuyệt diệu và vô giá.