Tác phẩm Chiến sĩ Điện Biên Phủ. |
Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật, ông Simon Ilich Mikhailovsky đã phát biểu khai mạc triển lãm. Tham dự lễ buổi khai mạc còn có gia đình họa sĩ Kuznetsov, đồng nghiệp, các thế hệ học trò, họa sĩ, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại St. Petersburg, Vladimir Kolotov cùng các sinh viên Việt Nam học tại khoa Phương đông Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg.
Trong suốt 45 năm lao động không mệt mỏi, họa sĩ Kuznetsov đã đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ mới, rất nhiều người trong số này đã để lại dấu ấn trong lịch sử hội họa Nga. Ông giữ chức Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Quốc gia Leningrad (nay là St. Petersburg) hơn 30 năm.
Năm 1960, Bộ Văn hóa Liên Xô, tin tưởng ông như nhà sư phạm và họa sĩ tài năng, có kinh nghiệm to lớn trong lĩnh vực sáng tác và giảng dạy, đã cử ông sang Việt Nam công tác 2 năm để thành lập Trường Mỹ thuật Quốc gia và phát triển trường phái hội họa tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Trong thời gian đó, họa sĩ Aleksei Kuznetsov không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sư phạm khó khăn của mình, mà còn sáng tác không mệt mỏi. Nhờ vốn tiếng Pháp hoàn hảo, Kuznetsov đã trở thành người phiên dịch với khả năng tiếp xúc rộng rãi với người dân địa phương.
Những tác phẩm nghệ thuật thời gian này khắc họa nên người họa sĩ như một nghệ nhân thiên tài về tranh chân dung và phong cảnh. Những bức tranh sơn dầu của Kuznetsov mang đậm nét trữ tình, tinh tế trong nội dung. Họa sĩ với độ sắc nét, hiểu biết các gam màu một cách sâu sắc và tinh tế, đã chuyển tải thành công không chỉ vẻ đẹp đất nước Việt Nam, mà cả vẻ đẹp nữ tính có một không hai của phụ nữ Việt Nam trong các bức tranh như: “Chân dung cô gái dân tộc Thái”, “Cô gái dân tộc Mèo” sáng tác năm 1960; “Chân dung cô gái trong áo dài xanh”, “Chân dung cô gái với quạt” sáng tác năm 1961…
Họa sĩ Kuznetsov đã kịp yêu đất nước, con người Việt Nam. Ông cho rằng: “Phong cảnh Việt Nam thật tuyệt vời. Đất nước Việt Nam thật tuyệt diệu. Phong cảnh thiên nhiên đã hấp dẫn người họa sĩ, làm cho người họa sĩ chìm đắm và khơi dậy niềm vui sáng tác bất tận”. Điều này được thể hiện qua các bức tranh như “Phong cảnh trên Vịnh Hạ Long” – 1961, “Trên sông” – 1960, “Hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long”, “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” – 1961, “Chợ hoa ở Hà Nội” – 1960, “Góc phố Hà Nội” – 1960.
Sự kiện khai mạc triển lãm. |
Năm 1960, họa sĩ Kuznetsov đã vinh dự được gặp Hồ Chủ tịch và vẽ chân dung Người. Hiện gia đình ông còn lưu giữ 2 bức chân dung Bác Hồ. Trong 2 năm làm việc tại Việt Nam, họa sĩ Kuznetsov sáng tác gần 100 tranh sơn dầu và hơn 200 bức phác họa. Nhiều bức tranh trong số đó đã được triển lãm ở Hà Nội. Một số các tác phẩm được lưu giữ ở viện bảo tàng tại Hà Nội.
Họa sĩ Kuznetsov đã được trao danh hiệu Giáo sư Trường Mỹ thuật Quốc gia Hà Nội. Chính phủ nước Viện Nam Dân chủ Cộng hòa đã trao tặng ông Huân chương Hữu nghị. Cho đến nay những tác phẩm hội họa của họa sĩ Kuznetsov được coi là một trong những di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam.