Tại thôn Nam Hài (xã Nam Phương Tiến), hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuận đang dọn bùn, rác sau ngập lụt. “Rác, bùn nhiều quá, chúng tôi thu dọn mấy hôm mà giờ vẫn chưa hết. Điều tôi lo ngại hơn là sau khi lũ rút, nhà cửa của tôi và bà con ở đây rất ẩm ướt, hôi hám sợ phát sinh dịch bệnh” – anh Thuận bày tỏ.
Vừa chuyển đàn lợn và gà phải đi gửi do ngập lụt vào chuồng, chị Nguyễn Nhã Vỹ lo lắng: Gia đình chị bị nước ngập sâu gần 1,5 mét, nên cả nhà phải sống nhờ xóm trên. Lợn, gà gửi thôn khác nên sinh hoạt vô cùng khó khăn.
Theo UBND xã Nam Phương Tiến, đến chiều tối ngày 15/8, trên địa bàn huyện còn gần 80 hộ dân vẫn bị ngập nhưng mức độ nhẹ, chỉ còn ngập sân và ngõ chưa thể dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ: “UBND xã đã huy động lực lượng tham gia tổng vệ sinh với hơn 1.000 lượt nhân công tham gia. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tiếp tục bố trí 15 người và 3 xe chuyên dụng để vận chuyển bùn, rác thải đến nơi tập kết. Với phương châm “nước rút đến đâu làm sạch môi trường đến đó”, toàn xã tập trung thu gom xác súc vật, rác thải, phế liệu mang đi chôn, lấp theo quy định; tổ chức phun thuốc khử trùng môi trường, không để nguy cơ bùng phát dịch bệnh giúp người dân trong xã nhanh chóng ổn định đời sống... Tuy nhiên, với số lượng rác thải, bùn đất sau khi nước rút, cùng thời tiết nắng nóng, nên công tác vệ sinh, thu gom rác thải, tiêu độc vất vả”.
Khi nước rút, xã Nam Phương Tiến luôn nhận được sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực của các cơ quan, đoàn thể, công an, bộ đội, đoàn thanh niên với số lượng lên tới vài trăm người cùng nhiều phương tiện cơ giới... tổng vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, trường học trên địa bàn.
Công việc hiện nay đã tạm ổn nhưng người dân trong xã lại đang lo cơn bão số 4 sắp đổ bộ sẽ gây mưa lớn, nguy cơ tiếp tục ngập lụt trong những ngày tới.” Ông Nguyễn Văn Vĩnh lo lắng chia sẻ.