Trao đổi với phóng viên ngày 14/8, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, từ lúc nước lên xã đã có kế hoạch để xử lý vấn đề vệ sinh môi trường, có rác đến đâu xử lý đến đó.
Trong bối cảnh Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai không vào được vì nước còn ngập cao, xã đã vận động thanh niên, phụ nữ, dân quân cùng với nhân dân, nước rút đến đâu tập trung dọn dẹp vệ sinh đến đó.
Theo ông Thắng, từ ngày 7/8, khi nước cơ bản rút hết, xã vận chuyển số lượng rác thải rất lớn ra khỏi địa bàn dân cư, với sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng như công an, bộ đội… Đến nay, công tác vệ sinh trên địa bàn xã Nam Phương Tiến đã cơ bản hoàn thành.
Mỗi ngày trên địa bàn xã Nam Phương Tiến có tới hơn 600 người tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom vận chuyển tổng lượng rác lên đến 20 tấn. Tại xã Tân Tiến cũng có gần 400 người tham gia công tác vệ sinh môi trường, thu gom được 9 tấn rác thải.
Hiện trên địa bàn 2 xã này vẫn còn một số khu vực bị ngập, đợi khi nước rút, các xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân làm sạch vệ sinh môi trường. Toàn bộ lượng rác bẩn đã được Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai chở đến điểm tập kết.
Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, ngay sau khi nước bắt đầu rút, huyện chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiến hành thu gom toàn bộ rác thải tại các khu vực bị ngập úng, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân đảm bảo vệ sinh môi trường. Nước rút đến đâu khẩn trương tiến hành thu gom rác thải, tẩy uế, vệ sinh môi trường đến đó nhất là các công trình vệ sinh, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi...
Đến nay, các xã bị ngập lụt trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành công tác thu gom rác thải, hiện chỉ còn một diện tích nhỏ bị ngập nước chưa rút hết. Sau khi nước rút, việc vệ sinh môi trường sẽ tiếp tục được thực hiện.
Đặc biệt, trong những ngày qua, Chương Mỹ đã nhận được sự giúp đỡ của các lực lượng công an, quân đội, doanh nghiệp... cùng chung sức với chính quyền và người dân địa phương dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường.
Hiện nay, chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị hỗ trợ vẫn đang nỗ lực dọn vệ sinh, tẩy uế, phun thuốc diệt vi trùng trong, xung quanh khu vực úng lụt để phòng tránh dịch bệnh lây lan; đồng thời khơi thông dòng chảy cho nước các vùng còn bị ngập rút sớm; xử lý nguồn nước sinh hoạt để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện và thị xã triển khai công tác ứng phó, đảm bảo vệ sinh môi trường đối với các khu vực có nguy cơ cao bị ngập úng; đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường và đảm bảo vệ sinh môi trường mùa mưa bão; rà soát các khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt; các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực thấp trũng có nguy cơ úng ngập, ngập lụt; tiến hành thu gom toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất việc tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các điểm tập kết rác thải đối với các khu vực thấp trũng có nguy cơ úng ngập, ngập lụt.
Trong trường hợp rác thải bị tồn đọng chưa vận chuyển trên khu xử lý tập trung của thành phố, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết tạm thời, có biện pháp che chắn, thường xuyên phun chế phẩm khử mùi, diệt ruồi, muỗi đảm bảo vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên đáng lo ngại, theo Trung tâm dự báo thủy văn Trung ương, những diễn biến từ bão số 4 kéo theo mưa lớn dự báo có thể lên đến 300 - 400mm trong vòng 2 - 3 ngày tới đang tiềm ẩn nguy cơ tái lũ đối với khu vực Chương Mỹ - Hà Nội vốn đã xảy ra ngập lụt kéo dài trong trung tuần tháng 7.
Đây là cảnh báo quan trọng để Chương Mỹ và các lực lượng chức năng của thành phố có phương án chuẩn bị, đối phó phù hợp, đảm bảo an toàn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.