Hướng tới xây dựng “Không gian bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực Việt Nam”
Bám sát chủ trương của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025, UBND quận Ba Đình đã xây dựng và thí điểm thành công đề án Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã.
Từ ngày 23/12/2022 đến nay, tuyến phố ẩm thực thứ 2 của Thủ đô Hà Nội được người dân, du khách trong và ngoài nước đánh giá văn minh, hiện đại.
Góp phần vào thành công này là hàng loạt các dự án chỉnh trang đô thị như cải tạo hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố, các tuyến đường dạo ven hồ; các vườn hoa quanh hồ Trúc Bạch…
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, Ban quản lý Khu phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và những tiềm năng, thế mạnh về ẩm thực của địa phương, nổi bật là Phiên chợ Tết Đảo Ngọc Ngũ Xã, Lễ hội ẩm thực mùa xuân, cuộc thi ẩm thực giữa các nhà hàng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, các hoạt động giúp du khách trải nghiệm làm món ăn, thức uống, các hoạt động quảng bá, tôn vinh tinh hoa ẩm thực Việt Nam…
Video phóng viên ghi nhận tiến độ dự án Tàu điện Line 6-một trong các dự án mới của phường Trúc Bạch:
Để tăng sự hấp dẫn cho tuyến phố ẩm thực này, các hoạt động nghệ thuật đường phố cũng được tổ chức thường xuyên trong năm như: Âm nhạc, triển lãm nhiếp ảnh, điêu khắc; các hoạt động xã hội góp phần xây dựng ý thức cộng đồng như: Chương trình “Áo ấm tặng bạn”; chương trình “Đổi giấy lấy cây”; chương trình tặng quà Tết cho bệnh nhân nghèo của các nhà hàng trong Khu phố…
“Thành công của Khu phố ẩm thực đêm được thể hiện qua việc nhiều hộ kinh doanh đã phát triển mới tại khu vực triển khai đề án, tăng thu ngân sách từ các hộ kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại Khu phố ẩm thực đêm và khu vực lân cận lên hơn 150% so với trước khi thực hiện đề án...”, ông Nguyễn Dân Huy cho hay.
Theo lãnh đạo phường Trúc Bạch, chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động nhằm định hướng và hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tại Khu phố ẩm thực đêm và kết nối Khu phố với các địa điểm du lịch khác của Thủ đô Hà Nội như: Mô hình “Không gian sáng tạo, văn hóa, ẩm thực Tuyến tàu điện số 6” với hệ thống các “bảo tàng mini” về ẩm thực để giới thiệu, quảng bá các món ăn, thức uống đặc sắc của Việt Nam, giúp du khách trong và ngoài nước tìm hiểu chuyên sâu về nguyên liệu, quy trình, dụng cụ chế biến, nguồn gốc và quá trình phát triển của ẩm thực Việt Nam.
Mô hình cũng là nơi để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, trưng bày, triển lãm về ẩm thực, là nơi giao lưu giữa du khách với các đầu bếp, nghệ nhân, chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, vừa giúp du khách có những trải nghiệm độc đáo, vừa có những hướng tiếp cận mới, đa dạng trong quá trình tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực Việt Nam.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh kết nối với các đơn vị lữ hành, đưa Khu phố ẩm thực đêm vào trong các tour du lịch. Nổi bật là tour xe đạp “Đêm Thăng Long – Hà Nội” đã kết nối Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã với các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như Cột cờ Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, Quảng trường Ba Đình, Bảo tàng lịch sử quốc gia…
Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển hiệu quả Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã đã góp phần hoàn chỉnh hệ sinh thái du lịch tại khu vực hồ Trúc Bạch, hồ Tây với các di tích nổi tiếng như Đền Quán Thánh, Chùa Trấn Quốc, đền Thủy Trung Tiên.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương khác và một số mô hình du lịch của các nước, UBND phường Trúc Bạch đã đề xuất với UBND quận Ba Đình xây dựng Đề án phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP và Đề án phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn phường, nhằm tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Xây dựng “Không gian bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực Việt Nam” là một trong những chiến lược đang được phường Trúc Bạch chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm hướng tới mục tiêu chính là kích cầu kinh tế du lịch khu vực quần thể hồ Trúc Bạch và cũng là một trong những cơ hội lớn của địa phương, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư “chất lượng” cho sản phẩm du lịch thay vì số lượng
Trên cơ sở Đề án phát triển kinh tế ban đêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2020 và sự chỉ đạo quyết liệt của Quận uỷ, UBND quận Ba Đình, đội ngũ cán bộ, công chức phường Trúc Bạch đang gấp rút tổng hợp ý kiến góp ý, bổ sung, hoàn thiện cho các đề án phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Xác định mục tiêu là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, các sản phẩm du lịch sẽ dựa vào 3 trụ cột giá trị đặc sắc của quần thể khu vực hồ Trúc Bạch là “Tự nhiên, Lịch sử và Văn hóa”. Mục đích là xây dựng khu vực hồ Trúc Bạch trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực của người dân và du khách, với những sản phẩm, dịch vụ mang tính biểu tượng, khác biệt.
Theo ông Nguyễn Dân Huy, để Đề án phát triển kinh tế du lịch phát huy hiệu quả, cần có sự đầu tư về “chất” cho các sản phẩm du lịch và các sản phẩm đó phải tạo thành một hệ sinh thái du lịch đầy đủ từ: Lưu trú, vui chơi, khám phá cảnh quan, trải nghiệm đời sống địa phương, tìm hiểu lịch sử - văn hóa cho đến ẩm thực và mua sắm... Điển hình như dự án “Line 6” đang trong giai đoạn nước rút sẽ góp phần bổ sung các sản phẩm du lịch, giúp du khách có những trải nghiệm mới khi về với Thủ đô Hà Nội và quận Ba Đình.
“Chúng tôi dựa trên lịch sử văn hoá lâu đời của địa phương như các di tích Đình, Đền, Chùa, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, cảnh quan tươi đẹp của hồ Trúc Bạch, thế mạnh về ẩm thực của địa phương và kết hợp thêm nhiều chất liệu lịch sử Hà Nội như các tuyến tàu điện, 36 phố phường… lấy đó làm linh hồn để kết nối qua hơn 10 toa xe điện, tạo nên những chuyến tàu chuyên chở di sản. Và chúng tôi gọi các toa xe này là những “bảo tàng mini” về ẩm thực, ông Nguyễn Dân Huy chia sẻ về dự án Line 6. Đây sẽ là những “bảo tàng mở”, “bảo tàng sống” và được chính những người dân địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cộng đồng những người yêu thích ẩm thực và du khách cùng nhau xây dựng, góp công, góp sức để xây dựng và phát triển những “bảo tàng” này.
Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã, Line 6 và các sản phẩm du lịch khác đang được UBND phường Trúc Bạch chú trọng đầu tư về “chất”, tập trung nghiên cứu kỹ về văn hoá, lịch sử; có sự đầu tư về “lượng” như chất liệu, thiết kế, địa điểm bố trí các sản phẩm du lịch, cho đến cách truyền thông, quảng bá sản phẩm…
Chia sẻ thêm về sự đầu tư “chất lượng” cho các sản phẩm du lịch đang triển khai, ông Nguyễn Dân Huy lấy ví dụ về 3 toa xe đầu tiên của dự án “Line 6” sắp được đưa vào hoạt động: Cái khó đầu tiên chính là trong không gian nhỏ của các toa xe điện phải thể hiện được khối lượng nội dung đồ sộ về văn hóa ẩm thực Việt Nam như nguồn gốc, nguyên liệu, quy trình, dụng cụ chế biến, giá trị dinh dưỡng, giá trị tinh thần của một món ẩm thực - là điều rất khó. Bên cạnh đó là cách thể hiện làm sao để truyền tải đến du khách, để du khách cảm nhận được sự hấp dẫn của mỗi món ẩm thực, nói cách khác là mang lại những cảm xúc thú vị và bất ngờ cho du khách.
“Đó chính là điều mà chúng tôi luôn trăn trở từ khâu thiết kế không gian bên trong và ngoài toa xe; chắt lọc và hình tượng hoá, thể hiện nội dung bằng nhiều hình thức khác nhau, kết hợp phương pháp trưng bày truyền thống với những công nghệ mới như mô hình 3D, âm thanh, ánh sáng, hương vị để du khách đến với mỗi bảo tàng ẩm thực có thể cảm nhận được từng món ăn bằng cả thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác… Đặc biệt, chúng tôi sẽ tạo những điểm nhấn để du khách vừa trải nghiệm văn hóa ẩm thực, vừa có thể check-in, lưu giữ kỷ niệm khi tham quan hệ thống không gian văn hóa ẩm thực này…", ông Nguyễn Dân Huy cho hay.
Và tiếp nối dự án Line 6 này, chính quyền phường Trúch Bạch cũng đang gấp rút tìm tòi và hiện thực hoá thêm nhiều sản phẩm du lịch khác nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương; tạo điểm đến thân thiện cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Với những bước đi thận trọng và bài bản đó, Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã nói riêng và quần thể du lịch khu vực hồ Trúc Bạch nói chung trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ mang lại một xung lực phát triển mới, góp phần phát triển du lịch của quận Ba Đình và xây dựng Trúc Bạch trở thành một điểm đến của Thủ đô Hà Nội.