Vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, đảm bảo điều trị cho người nhiễm HIV

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc duy trì điều trị cho người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn, nhất là những địa bàn phải giãn cách, cách ly.

Chú thích ảnh
Tư vấn, điều trị cho người có HIV. Ảnh: TT

Người bệnh bị “giãn cách” điều trị

Vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng và điều trị cho người nhiễm HIV. Thực tế, nhiều nơi bị giãn cách, phong toả, việc hạn chế đi lại cũng khiến việc điều trị thường xuyên của người bệnh gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), việc giãn cách xã hội do COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì điều trị cho bệnh nhân HIV. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa đã không thể đến được các cơ sở điều trị để khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ; nhất là với những người nhiễm HIV do sợ bị kỳ thị nên lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình ở, thậm chí đến các tỉnh, thành phố khác để điều trị.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa do tác động của COVID-19 đã dẫn đến nhiều người nhiễm HIV thất nghiệp, thẻ BHYT bị gián đoạn, hết hiệu lực, dẫn đến việc người nhiễm HIV không thể tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có điều trị thuốc ARV. Tại các thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… nhiều người nhiễm HIV là công nhân trong doanh nghiệp đã lựa chọn phương án quay trở về quê hương, không tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế mà họ đang điều trị.

Đó là chưa kể, do dịch bệnh nên có một số cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV bị phong tỏa, cách ly y tế; một số cơ sở y tế được điều động chuyển sang thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Điều này dẫn đến việc người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV, điều trị PrEP tại các cơ sở này phải chuyển sang điều trị tại các cơ sở khác.

Trong bối cảnh khó khăn đó, số người nhiễm HIV phát hiện mới vẫn tăng lên.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Hiện nay, theo báo cáo, số người nhiễm HIV được phát hiện là 212.769. Trung bình mỗi năm, Việt Nam vẫn phát hiện được khoảng 12.000 trường hợp nhiễm HIV. Tính đến tháng 10/2021, cả nước đã ghi nhận thêm 10.925 trường hợp HIV dương tính, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Tuy dịch HIV/AIDS đã thuyên giảm 2/3 so với đỉnh cao (2007-2008), nhưng vẫn còn ở mức độ cao. Mỗi năm chúng ta vẫn phát hiện trên 10.000 người nhiễm HIV mới, dịch có xu hướng gia tăng ở một số địa phương phía Nam và một số nhóm nguy cơ cao (NCMT, MSM), liên quan đến vấn nạn ma túy tổng hợp”.

Nỗ lực vượt qua thách thức

Theo các chuyên gia, người nhiễm HIV/AIDS là mắc bệnh mãn tính, nếu vì lý do nào đó không được duy trì điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) liên lục, người nhiễm có nguy cơ cao kháng thuốc và dẫn đến thất bại điều trị. Vì vậy vừa qua Cục Phòng chống HIV/AIDS và các địa phương đã nỗ lực hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến công tác phòng và điều trị HIV.

Đơn cử như tại Hà Nội, hiện có 23 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đến tháng 9/2021, Hà Nội có 13.481 người nhiễm HIV đang duy trì điều trị ARV tại các cơ sở y tế công lập. Trong giai đoạn dịch COVID-19, chương trình điều trị ARV cho người nhiễm HIV ở Hà Nội đã chủ động, thích ứng, linh hoạt, đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ cho người bệnh, không bị gián đoạn, có những thay đổi nhất định để phù hợp với dịch. Cụ thể, với bệnh nhân ổn định sẽ được cấp thuốc nhiều tháng hơn, có thể 2- 3 tháng để bệnh nhân không phải đi lại nhiều. Hà Nội cũng quy định, về việc chuyển bệnh nhân phù hợp; bệnh nhân ở địa phương nào thì các đơn vị cố gắng tư vấn, chuyển bệnh nhân về địa phương đó để người bệnh đi khám, điều trị gần hơn, không bị gián đoạn thuốc...

“Đối với chương trình điều trị ARV, quan trọng nhất là phỏng vấn, tư vấn cho bệnh nhân; vì điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Những hoạt động như: Tư vấn, chuyển gửi bệnh nhân..., chúng tôi có thể được thực hiện qua điện thoại; hay với việc lấy mẫu, bệnh nhân đi xét nghiệm, các phòng khám điều trị ARV có thể lấy máu chuyển đến cơ sở xét nghiệm để tránh bệnh nhân đi lại quá nhiều. Vì vậy, công tác điều trị ARV cho bệnh nhân HIV của Hà Nội hầu như không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19”, TS. Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, trong bối cảnh dịch bệnh, các biện pháp can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai toàn diện, rộng rãi, sáng tạo và linh hoạt như: Tổ chức HIV tại cộng đồng, hướng dẫn tự xét nghiệm HIV, cung cấp xét nghiệm qua mạng; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, cấp phát Methadone nhiều ngày… Nhiều giải pháp đã được triển khai để vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 và đạt được các chỉ tiêu về phòng chống HIV/AIDS được giao trong năm 2021 như: Phát hiện mới 13.000 trường hợp nhiễm HIV; điều trị Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện; điều trị PrEP cho trên 30.000 khách hàng; điều trị ARV cho trên 160.000 bệnh nhân HIV/AIDS với chất lượng rất tốt...

Nhằm giảm tác động của COVID dẫn đến việc gián đoạn điều trị ở người nhiễm HIV, người sử dụng dịch vụ PrEP, Bộ Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đã triển khai một loạt các can thiệp phù hợp với tình hình. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn khám chữa bệnh và thanh toán BHYT trong bối cảnh COVID-19, trong đó có mục riêng đối với người bệnh HIV, người bệnh lao đối với các trường hợp người bệnh không thể đến được cơ sở khám chữa bệnh theo hẹn để khám và lĩnh thuốc ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã xây dựng các kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh COVID-19 và hướng xử trí cho từng tình huống bên cạnh việc hướng dẫn, tập huấn trực tuyến cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố về việc thực hiện đáp ứng nhanh khi các tình huống dịch có thể xảy ra.

Nhóm đáp ứng nhanh trong cung cấp thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV đã được thành lập với phương châm "không để người nhiễm HIV nào bị dừng thuốc vì tác động của COVID-19". Với sự tham gia của các bộ thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các dự án, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, bệnh viện trung ương, đại diện mạng lưới người sống chung với HIV, doanh nghiệp xã hội. Mạng lưới này đã kết nối các cơ sở điều trị có người nhiễm HIV chịu tác động của dịch COVID-19 với đại diện người số chung với HIV, các cơ quan quản lý…. Mạng lưới đã được đánh giá hoạt động rất hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho từng người bệnh khi họ không thể đến được cơ sở điều trị để lĩnh thuốc. Danh sách cán bộ hỗ trợ, điện thoại liên hệ của các cán bộ hỗ trợ và của gần 500 cơ sở điều trị trên toàn quốc đã được đăng tải trên trang web của Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhằm hỗ trợ cho người nhiễm nhanh nhất có thể…

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, vừa qua, các địa phương, các đơn vị đã thực hiện rất nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế như: Cấp thuốc nhiều tháng, tiếp nhận, phát thuốc cho người bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế khác, cấp thuốc ARV qua đơn vị vận chuyển, nhóm tình nguyện, nhóm đồng đẳng, chuyển đến cơ sở y tế nơi họ đang điều trị nội trú hoặc cách ly, kể cả qua nhân viên y tế trực tiếp chuyển thuốc cho người bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật một số tỉnh, thành phố cũng đã chủ động lựa chọn phương án để chuyển thuốc cho người bệnh như: Cấp giấy đi đường cho nhân viên tiếp cận cộng đồng, xét nghiệm COVID-19 định kỳ 3 ngày/lần cho nhóm này để đảm bảo họ đủ điều kiện tham gia gia thông chuyển thuốc cho người bệnh.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Những câu hỏi thường gặp về vaccine phòng COVID-19 với người nhiễm HIV
Những câu hỏi thường gặp về vaccine phòng COVID-19 với người nhiễm HIV

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam năm 2021 diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12/2021 với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. Hiện nay, COVID-19 là bệnh nghiêm trọng mà người nhiễm HIV cần thực hiện tất cả các biện pháp được khuyến nghị để phòng ngừa mắc bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN