Vụ ngộ độc thực phẩm ở tiệc Trung thu: Tác nhân gây ra nhiễm khuẩn vẫn phải chờ kết quả phân lập vi khuẩn

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm sau đêm tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), chiều 5/10, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và dịch bệnh trên địa bàn, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng đơn vị tiếp nhận thông tin hơi trễ, sự việc xảy ra vào thứ 6 nhưng đến thứ 2 mới có thông tin.

Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, vào sáng 2/10, ngay sau khi nhận được thông tin từ một nguồn tin riêng về vụ ngộ độc thực phẩm trên, đơn vị đã cử các đội xuống lấy mẫu điều tra dịch tễ, kiểm tra toàn diện cửa hàng cung cấp bánh su kem cho chung cư; đồng thời tới cơ sở sản xuất bánh su kem này để lấy mẫu kiểm tra.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin tại buổi họp báo.

“Đi thanh tra, kiểm tra thì dễ nhưng vấn đề công tác lấy mẫu kiểm nghiệm lại gặp khó khăn vì chúng tôi tiếp nhận được thông tin hơi chậm. Nếu chung cư Palm Heights và Công an thành phố Thủ Đức báo sớm hơn thì việc điều tra, xử lý sự việc có phần dễ dàng hơn. May mắn, chúng tôi có được hai mẫu bánh của cư dân không ăn để lại và cơ sở sản xuất vẫn còn mẫu lưu nên có mẫu để mang đi kiểm nghiệm. Đây chính là bài học kinh nghiệm mà chúng ta cần phải rút ra”, bà Phong Lan chia sẻ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, kết quả kiểm tra của các đoàn thanh tra cho thấy từ cửa hàng bán bánh và cơ sở sản xuất đều đáp ứng tất cả những cam kết về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra vụ ngộ độc thực phẩm.

"Để có kết luận nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm trên thì còn phải chờ kết quả kiểm định và kết quả cấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi từ ngành y tế", Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết.

“Vụ việc này được cộng đồng quan tâm. Lý do là nhiều năm qua Thành phố không có ngộ độc thực phẩm gây chết người. Sắp tới, khi có kết quả cụ thể sẽ thông tin công khai, minh bạch”, bà Phong Lan thông tin thêm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết, tính đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 50 người có triệu chứng khó chịu, quặn ruột, đau; trong đó, 19 người đã được nhập viện để chăm sóc y tế từ vụ ngộ độc trên.

Đề cập đến việc dư luận thắc mắc tại sao không kiểm tra xúc xích, nước uống, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, bé gái tử vong trong vụ ngộ độc này không tham gia bữa tiệc mà chỉ ăn bánh su kem của mẹ đem về nên cơ quan chức năng tập trung vào kiểm tra chất lượng bánh su kem.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là vụ ngộ độc diễn biến phức tạp. Theo nhận định ban đầu, có khả năng bánh bị nhiễm khuẩn trước bữa tiệc Trung thu. Tuy nhiên, tác nhân gây ra nhiễm khuẩn vẫn phải chờ kết quả phân lập vi khuẩn đang được Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xử lý.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
TP Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày 4/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN