Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong số 3 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum mức độ nặng, thì có 2 bệnh nhân được tiên lượng cải thiện khá, còn một trường hợp nặng nhất tuy có cải thiện nhưng tiên lượng còn dè dặt.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân H.V.Đ (57 tuổi, ngụ Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam) được đánh giá là bệnh nhân bị ngộ ngộc nặng nhất. Trước khi được truyền thuốc giải độc BAT, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy và không có nhịp tự thở.
Sau khi được truyền thuốc giải độc, sáng ngày 19/3, bệnh nhân đã có cải thiện nhưng tiên lượng dè dặt. Hiện bệnh nhân gọi hỏi biết, thực hiện được y lệnh chậm, sức cơ của tay chân 2/5 và có nhịp tự thở yếu.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân H.T.T. (37 tuổi, ngụ Phước Chánh, Phước Sơn, Quảng Nam) ghi nhận vào lúc 10 giờ ngày 19/3 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh; sức cơ tay chân 4/5. Bệnh nhân có nhịp tự thở khá hơn và đã giảm ngưỡng kích máy tạo nhịp.
Trước đó, ngày 18/3, bệnh nhân tiếp xúc chậm, yếu tay chân, sức cơ chỉ 1/5 - 2/5. Bệnh nhân suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu; rối loạn nhịp tim chậm, đang được đặt máy tạo nhịp. Bệnh nhân được truyền thuốc giải độc lúc 20 giờ và kết thúc truyền lúc 21 giờ.
Các bác sĩ đánh giá, đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng thứ hai, có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, có khả năng khởi động cai máy thở trong 1 - 2 ngày tới.
Trường hợp thứ 3 là H.V.Đ. (26 tuổi, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) được truyền thuốc giải độc tối 18/3. Trước khi được truyền thuốc giải, bệnh nhân tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu. Đến sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, sức cơ tay chân 4/5, nhịp tự thở khá hơn.
Trước đó, ngày18/3, ngay khi nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho các ca bệnh ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ngay lập tức tổ chức buổi hội chẩn online cùng Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam.
Thông qua kết quả hội chẩn, đánh giá khả năng các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum rất cao, Ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức trực tiếp mang 5 lọ thuốc giải độc còn lại của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam, tiến hành hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam, ê kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành điều tra dịch tễ và đánh giá có 3 chùm ca bệnh, tổng cộng 10 người có khả năng bị ngộ độc Botulinum rất cao. TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, cả ba chùm ca bệnh cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua. Trong quá trình chế biến, loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn.
Theo TS Lê Quốc Hùng, các thực phẩm được bọc, đậy kín không có không khí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển, tái hoạt động và tiết ra các chất độc Botulium. Độc tố Botulinum không bị phân hủy bởi nhiệt độ sôi, dù có đun sôi vẫn có thể bị ngộ độc thực phẩm.
Người bệnh bị ngộ độc Botulinum sẽ có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nhưng đặc trưng nhất của ngộ độc này là bệnh nhân sẽ có dấu hiệu nôn ói, đau bụng, mệt mỏi, yếu tay chân dẫn tới đi lại khó khăn. Nặng nhất, bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp nhanh chóng và có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, khi phát hiện mình có triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị càng sớm, càng tốt.