Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho biết, đến ngày 24/7, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta là rất lớn do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, việc giao lưu đi lại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới ngày càng thuận tiện.
Trước đó vào ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác.
Thế giới cũng đã ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc tại 74 quốc gia, tử vong 5 trường hợp. Tỷ lệ tử vong trên số mắc là 1/3.000, số này chưa thực sự thống kê hết. Tuy nhiên, thời gian gần đây ghi nhận số ca tăng lên, đặc biệt là một số quốc gia châu Âu. Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan cũng đã ghi nhận ca mắc. Tại Hàn Quốc, 2 ca mắc đậu mùa khỉ đều là người từ vùng dịch về, chưa ghi nhận trong nước.
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam, Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế - những người có nguy cơ cao.
Đại diện WHO tại Việt Nam cũng thông tin, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não.
Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh sẽ hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các nước cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singarpore đã ghi nhận ca bệnh. Việt Nam được WHO xếp thuộc vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
"Từ tháng 4, nước ta đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy, người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ", ông Nguyễn Lương Tâm cho biết.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa... được quy định tại Nghị định số 89 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về Kiểm dịch y tế biên giới. Việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
* Khuyến khích người dân tự khai báo và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh
Việt Nam hiện đang nằm trong Nhóm 1: Các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày.
Đối với nhóm 1, WHO khuyến cáo:
Kích hoạt hoặc thiết lập cơ chế phối hợp đa ngành giữa Bộ Y tế và các ban ngành khác để tăng cường sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ người sang người.
Lập kế hoạch và/hoặc thực hiện các biện pháp can thiệp để tránh kỳ thị và phân biệt đối xử với các cá nhân hoặc nhóm người cảm nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ; mục tiêu là ngăn ngừa sự lây truyền âm thầm của virus đậu mùa khỉ trong cộng đồng. Trọng tâm của những can thiệp này là: khuyến khích người dân tự khai báo và tìm kiếm cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh; tạo điều kiện tiếp cận kịp thời với dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu; bảo vệ quyền con người, quyền riêng tư của các cá nhân bị ảnh hưởng với bệnh và những người xung quanh họ.
Thiết lập và tăng cường giám sát dịch tễ học bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm khả năng tiếp cận các xét nghiệm chẩn đoán chính xác, đáng tin cậy và giá cả hợp lý. Đưa bệnh đậu mùa khỉ vào như một phần của hệ thống giám sát quốc gia hiện tại. Để giám sát dịch bệnh, thiết lập định nghĩa ca bệnh có thể xảy ra, ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh xác định.
Nâng cao năng lực phát hiện bệnh bằng cách nâng cao nhận thức và đào tạo nhân viên y tế, bao gồm những người làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng khám phụ khoa, nam khoa, khoa cấp cứu, nha khoa, da liễu, khoa nhi, phòng khám HIV, bệnh truyền nhiễm, khám thai sản và các cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc cho bệnh cấp tính khác.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự lây truyền virus đậu mùa khỉ, các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cũng như các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt quan tâm tới các cộng đồng hiện đang bị ảnh hưởng ở các quốc gia có ghi nhận bệnh như cộng đồng đồng tính nam, lưỡng tính, nam giới có quan hệ tình dục với nam giới hoặc người có nhiều bạn tình, người hành nghề bán dâm, người chuyển giới.
Tăng cường cung cấp thông tin về bệnh đậu mùa khỉ thông qua các nhóm hoạt động tại cộng đồng, mạng lưới cộng đồng về sức khỏe tình dục và các tổ chức xã hội tại địa phương.
Tập trung hỗ trợ truyền thông đánh giá nguy cơ tại các cơ sở và địa điểm diễn ra các cuộc gặp đông người như nơi sinh hoạt chung của cộng đồng nam giới có quan hệ tình dục với nam giới. Tham gia hỗ trợ người tổ chức các sự kiện, hỗ trợ chủ sở hữu và người quản lý hoạt động mại dâm để thúc đẩy các biện pháp bảo vệ cá nhân và hành vi giảm thiểu rủi ro.
Thông qua các kênh được thiết lập của IHR tại địa phương, báo cáo ngay cho WHO các trường hợp đậu mùa khỉ có thể xảy ra, ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh xác định, bao gồm tất cả dữ liệu có trong Biểu mẫu Báo cáo Trường hợp bệnh của WHO (CRF).