Mức tăng nhẹ
Đi khám ung thư vú tại Bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ, Hà Nội), trong lúc ngồi chờ kết quả chị Phạm Thanh Thủy (45 tuổi, ở Hải Phòng) cho biết: “Tôi bị nghi ngờ ung thư vú ở tuyến dưới nên được chuyển lên đây để khám và chẩn đoán lại, phải khám và làm sinh thiết vú, làm thêm một số xét nghiệm nên nộp hơn 100.000 đồng, còn lại được bảo hiểm chi trả”.
Chị Thủy cũng cho biết, chị cũng như nhiều bệnh nhân khác chưa nắm được thông tin mới tăng giá dịch vụ y tế, nhưng phần phải chi trả cũng không đáng kể nên không thấy ảnh hưởng gì nhiều.
“Rất may mấy năm nay tôi đều tham gia BHYT nên những lúc bị bệnh thế này đỡ được rất nhiều chi phí khám, chữa bệnh”, chị Thủy chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Hưng (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) đi khám bệnh tiểu đường định kỳ hàng tháng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết: “Tháng này số tiền tôi phải đồng chi trả tăng thêm chưa đến 10.000 đồng so với tháng trước, có thể là do tăng giá dịch vụ y tế. Tôi cũng đã nghe thông tin mới tăng viện phí nhưng chúng tôi có thẻ BHYT nên chỉ phải chi trả thêm rất ít. Nếu chỉ phải chi trả thêm một chút mà bệnh viện nâng cấp chất lượng khám chữa bệnh hơn, thì tính ra người bệnh lại có lợi nhiều”.
Từ ngày 15/12, đã có hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở mới theo Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, vừa được Bộ Y tế ban hành. Thông tư 39 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019, tuy nhiên phần tăng giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 15/12.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K cho biết: Theo kế hoạch chung, Bệnh viện K đã triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế điều chỉnh trong hoạt động khám chữa bệnh. Hiện việc triển khai vẫn rất thuận lợi, chưa có vấn đề gì phát sinh hay thắc mắc từ người bệnh. Việc tăng giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế là theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Theo đó, chi phí tiền lương đã được tính vào giá dịch vụ y tế, do mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng tăng lên 1.390.000 đồng nên mức giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng trung bình 3,2%, bình quân giá khám bệnh, ngày giường tăng 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.
Cụ thể đối với giá khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 được điều chỉnh từ 33.100 đồng/lượt khám lên 37.000 đồng/lượt; ở bệnh viện hạng 2 là từ 29.600 lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 3 từ 26.600 đồng/lượt lên 29.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt khám.
Giá giường bệnh cũng tăng ở từng hạng bệnh viện như: Ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc… điều chỉnh từ 678.100 đồng/ngày lên 753.000/ngày; giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 401.000 đồng lên 441.000 đồng/ngày; giường bệnh ở các khoa Truyền nhiễm, hô hấp, ung thư, tim mạch… điều chỉnh từ 208.000 đồng lên 232.000 đồng/ngày… Đối với bệnh viện hạng 1, dịch vụ giường hồi sức được điều chỉnh từ 615.000 đồng lên 678.000 đồng/ngày; với các dịch vụ khác giá giường bệnh cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 20.000 - 40.000 đồng/ngày/giường…
Các mức giá trên được BHYT chi trả cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo mức hưởng.
Người bệnh không ảnh hưởng nhiều
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng thanh toán BHYT được điều chỉnh theo Thông tư 39 bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Do đó mức tăng này chỉ cập nhật mức tăng lương cơ sở vào giá dịch vụ y tế.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, ở lần điều chỉnh này, giá các dịch vụ y tế tăng không nhiều, lại áp dụng trong đối tượng được BHYT thanh toán nên có tác động không đáng kể đến người bệnh khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Đặc biệt, đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn..., các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng. Còn đối với BHYT của người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5%, thậm chí các đối tượng phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả cũng chỉ tăng bình quân 3,23%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 39, người bệnh không chỉ không bị tác động nhiều mà còn được hưởng lợi nhiều hơn. Thông tư 39 ngoài việc quy định tăng giá một số dịch vụ y tế còn có các quy định về số lượt khám trong ngày/bàn khám, định mức số lần sử dụng thiết bị y tế… nên các bệnh viện sẽ phải có sự sắp xếp phù hợp góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải số bệnh nhân/bàn khám.
“Theo quy định mới, đối với các bàn khám khám trên 65 lượt khám/ngày, BHYT chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh nên bệnh viện phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Tại bệnh viện K hiện có 25- 37 bàn khám, với số lượng bệnh nhân đông và ngày càng tăng, nếu áp quy định mới, bệnh viện sẽ phải tăng cường bố trí thêm số bàn khám, huy động bác sĩ từ các khoa lên ngồi bàn khám để đảm bảo đủ định mức như quy định. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phải tăng cường số lượng máy móc, trang thiết bị để đảm bảo định mức sử dụng các dịch vụ kỹ thuật”, ông Nguyễn Bá Tĩnh cho biết.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng đánh giá, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này giúp các cơ sở khám, chữa bệnh giảm khó khăn và Nhà nước bớt phải bù lỗ. Còn về vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh thì không chỉ khi tăng giá dịch vụ y tế mà để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện cũng luôn phải chú trọng nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh. Vì bên cạnh các dịch vụ tăng giá, cũng có một số kỹ thuật giảm giá ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng cho biết, đối với đối tượng không thanh toán BHYT thì giá dịch vụ y tế vẫn tính theo Thông tư số 37/TT-BYT. Đối với người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm thực hiện mức giá quy định tại Thông tư này thì tiếp tục được áp dụng mức giá theo quy định của cấp có thẩm quyền trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.