Đã từng đi mổ vì bị ngã gãy xương, nhưng đến nay tay phải của bà Nguyễn Thị Chung (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn đau và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, nên bà quyết định đến bệnh viện Việt Đức để khám và mổ lại mà không được sử dụng bảo hiểm y tế vì trái tuyến. Lúc đăng ký vào khám bà đã phải nộp 1 triệu đồng cho các chi phí xét nghiệm, chụp X-quang, điện tim…
Bà Chung cho biết: Các con tôi đã biết thông tin mới tăng viện phí nên cũng đã tự tìm hiểu về chi phí cho ca phẫu thuật của tôi, chỉ tính riêng tiền giường đã gần 700.000 đồng/ngày, cao gấp đôi trước kia. Tuy nhiên đó cũng mới là các chi phí cơ bản, còn nhiều loại xét nghiệm, tiền thuốc, thiết bị khi nằm viện… Chắn chắn số tiền bỏ ra không hề nhỏ nhưng đã xác định khám và điều trị dịch vụ là phải chấp nhận, miễn dịch vụ đảm bảo.
Cũng xác định khám dịch vụ với chi phí cao, bà Trần Thị Tuyết (Đống Đa, Hà Nội) đi khám tại bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết: Tôi bị viêm xoang lại kèm thêm bệnh tiểu đường mãn tính, hay bị mệt mỏi nên chọn khám dịch vụ, đắt hơn một chút nhưng đỡ phải xếp hàng, chờ đợi lâu. Bác sĩ chỉ định tôi phải nội soi tai mũi họng, chụp X-quang phổi và tiền thuốc hết tổng cộng 1,3 triệu đồng, giá các dịch vụ khám đắt hơn những lần trước tôi khám.
Từ ngày 1/8, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã áp dụng tăng giá dịch vụ y tế với những người không có thẻ bảo hiểm y tế theo thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế với mức tăng từ 20%- 50%, được áp dụng cho hơn 1.900 dịch vụ y tế. Có những dịch vụ tăng nhẹ nhưng nhiều dịch vụ tăng cao như: Tiền giường tại các bệnh viện hạng đặc biệt tăng gần gấp đôi; nhiều kỹ thuật thậm chí tăng giá tới gần 1 triệu đồng/lần sử dụng do giá dịch vụ trước đó đã cao sẵn như: Chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA tăng từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; chụp X-quang động mạch vành tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng...
Ghi nhận tại các bệnh viện sau hơn 2 tháng triển khai theo tăng giá dịch vụ y tế, các hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn diễn ra bình thường, ít có xáo trộn. Tuy giá dịch vụ y tế có tăng, thậm chí tăng cao ở nhiều dịch vụ nhất là tiền giường, chi phí các thủ thuật, phẫu thuật… nhưng phần lớn người dân vẫn chấp nhận mức giá mới vì việc tăng giá lần này chỉ áp dụng với những người chưa có hoặc khám không sử dụng bảo hiểm y tế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch mai: Giá dịch vụ y tế trước đây chỉ bao gồm các yếu tố chi phí mà nhà nước vẫn bao cấp chứ chưa tính đúng, tính đủ. Trong đợt tăng giá dịch vụ này, giá các loại dịch vụ y tế sẽ bao gồm thêm các yếu tố phụ cấp đặc thù, tiền lương của nhân viên y tế. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là theo lộ trình của Chính phủ để giảm bao cấp qua giá và hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi mua thẻ BHYT.
Ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: Không ít trường hợp mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ tăng chi phí điều trị lên rất nhiều. Vì vậy, hiện nay nhiều người đã bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; người dân cũng cần thấy rằng, tham gia bảo hiểm y tế sẽ không còn lo ngại việc tăng giá dịch vụ y tế.
Mong được "phục vụ" tốt hơn
Cùng với việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, người dân cũng kỳ vọng sẽ được phục vụ tốt hơn. Hiện nay nhiều người vẫn còn phàn nàn về việc đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn còn rất vất vả, chưa hết cảnh vạ vật ngồi chờ, xếp hàng, chen lấn khi đi khám bệnh, cảnh nằm ghép, chất lượng chưa đồng đều…
Về vấn đề này, theo ông Hiền, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ giúp các bệnh viện có thêm nguồn thu để chi trả phụ cấp đặc thù, tiền lương của nhân viên y tế, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, nâng cấp phòng khám bệnh, buồng bệnh… Qua lần nâng giá này, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ được cải thiện.
Các bệnh viện đang tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ nên cũng luôn phải xác định chỉ có nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh thì mới có thể tự chủ thành công.
Cũng theo ông Toàn, để nâng cao chất lượng y tế, nhất là bệnh viện tuyến dưới, Bộ Y tế đã có các chương trình, dự án đầu tư cụ thể như: Đề án 1816 về chuyển giao kỹ thuật của bác sĩ từ tuyến trên cho tuyến dưới; đề án bệnh viện vệ tinh; dự án đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực cho bệnh viện tuyến dưới… Nhờ vậy, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện cũng đang ngày càng được nâng cao.