Thông tin về sự việc phụ huynh phát hiện thịt lợn nhiễm sán gạo trong bữa ăn của trẻ ở trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), ông Lê Văn Nho, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết: Trước sự việc này, đại diện tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành điều tra khảo sát việc cung cấp thực phẩm tại trường mầm non Thanh Khương.
Trường có 568 học sinh, được đánh giá là cơ sở giáo dục tốt. Trước đây trường chưa có vi phạm về an toàn thực phẩm. Quy trình tìm kiếm đối tác cung cấp thực phẩm được thực hiện đúng quy định. UBND huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục thông báo các trường trên địa bàn huyện dừng nhập thực phẩm từ Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành và chờ xử lý. Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm.
Bên cạnh đó, huyện đã giao quyền tự chủ quyết định cho nhà trường trong việc chọn đơn vị cung cấp thực phẩm. Việc 19 trường chọn Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành là do 19 hiệu trưởng tự quyết định, không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc phòng Giáo dục can thiệp.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, qua sự việc này cho thấy, các ngành chức năng của địa phương làm chưa tốt, cung cấp thông tin không kịp thời, thống nhất, để người dân hoang mang, lo lắng.
Cục An toàn thực phẩm đã trực tiếp chỉ đạo Ban an toàn thực phẩm Bắc Ninh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Các tổ chức cá nhân có liên quan đã bị đình chỉ công tác. Đối với việc nhà trường không lưu mẫu thức ăn, trong đó có mẫu thịt lợn nhiễm sán gạo được đăng tải trên mạng xã hội ngày 22/2 vừa qua, chỉ riêng việc không lưu mẫu thức ăn tại bếp ăn tập thể đã là vi phạm về quy định an toàn thực phẩm và bị xử phạt theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cũng theo ông Phong, việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm ở trường mầm non Thanh Khương, sau đó tự nguyện đưa con cháu đến các bệnh viện xét nghiệm, đấy là việc hết sức chính đáng.
“Nếu không có chuyên môn, mà có con trong điều kiện như vậy tôi cũng rất lo”, ông Phong khẳng định.
Tuy nhiên theo ông Phong, không thể đánh đồng giữa vi phạm an toàn thực phẩm với tỷ lệ nhiễm sán tại địa phương. Bởi dù thịt có nhiễm sán, nhưng đã nấu chín thì không thể lây sang người và gây bệnh.
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, kết quả tỷ lệ nhiễm sán qua các mẫu xét nghiệm tại huyện Thuận Thành là 11,9% nằm trong ngưỡng 0,5 - 12%, đây là một trong những địa phương có tỷ lệ nhiễm sán tương đối cao chứ không phải cao bất thường. Thậm chí, trước đó, qua điều tra còn có những địa phương có thói quen ăn gỏi cá có tỷ lệ nhiễm sán lá gan lên tới 26%, 1 gram phân chứa tới 3.000 trứng sán lá gan. Không chỉ riêng ở Bắc Ninh hay Việt Nam mà còn tại rất nhiều nước cũng có tỷ lệ như vậy.
Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cho kết quả dương tính, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn trong cơ thể có ấu trùng sán; kết quả dương tính cũng chưa thể là căn cứ để chỉ định điều trị. Cụ thể, với các trẻ ở Thuận Thành có kết quả dương tính với sán, nhưng chỉ những trẻ có biểu hiện bệnh mới được chỉ định điều trị.
“Việc xét nghiệm chỉ là biện pháp hỗ trợ để chẩn đoán, nên chỉ những người có biểu hiện bệnh do sán gây ra mới nên làm xét nghiệm để chẩn đoán. Bộ Y tế sẽ làm việc với Tổ chức Y tế thế giới để Tổ chức Y tế thế giới có thêm câu trả lời minh bạch về vấn đề này”, ông Phong cho biết.
Theo bà Ngô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, ngay khi sự việc xảy ra, Sở đã tổ chức truyền thông để người dân hiểu đúng và có cách phòng chống sán lợn. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều tra dịch tễ, phối hợp với các sở Giáo dục - Đào tạo trong giám sát bữa ăn học đường. Sở cũng đề nghị Bộ Y tế cử cán bộ về khám, tư vấn cho những trẻ dương tính với sán lợn, tránh các trẻ phải chuyển ra bệnh viện Trung ương.