Từng đoàn quân áo trắng hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho miền Nam trở về

Các đoàn quân áo trắng chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch đã hoàn thành nhiệm vụ, lần lượt trở về cùng nụ cười và sự bình yên.

Chú thích ảnh
Các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị ở nơi tâm dịch COVID-19. Ảnh: BV

Tạm biệt nhé, viện Lao đầy "máu lửa"

Trải qua bao đêm thức trắng bên Người

Những bước chân trong đêm đen vội vã

Bậc cầu thang lên xuống đến ghê người.

Tạm biệt nhé, những đồng đội của tôi

Đã bên nhau trong những ngày gian khó

Cùng đóng góp một phần nhỏ bé

Đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống được hồi sinh.

Tạm biệt nhé, những gì còn đọng lại

Nơi ghi dấu những ngày tháng bên nhau

Mai mốt về với nơi tôi đang sống

Xin gửi lại nơi này, một trái tim yêu.

Những câu thơ đầy xúc động của điều dưỡng Đinh Thị Giang Hoài, Bệnh viện Hữu nghị dường như là sự cô đọng tất cả những cảm xúc trong suốt hai tháng trời đồng hành cùng Tiền Giang chiến đấu với dịch COVID-19. Đó cũng là những ngày tháng đẫm mồ hôi, có cả những giọt nước mắt và nụ cười của các y bác sĩ.

Đến nay, những ngày tháng gian khổ nhất đã qua, 30 chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Hữu Nghị đã hoàn thành nhiệm vụ đi chi viện chống dịch; chuyến trở về nhà không còn hối hả, gấp gáp như lúc lên đường. Với các chiến sĩ áo trắng, gần hai tháng vừa qua là một cuốn hồi ký khó quên trong suốt quãng đời còn lại.

Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tiền Giang), đối diện với nhiều ca bệnh nặng, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, làm việc liên tục, mỗi ca trực đêm 8-12 giờ/ngày khiến họ hiểu hơn sự khắc nghiệt của dịch bệnh và trước bạo bệnh, sinh mệnh con người chỉ mong manh như “ngọn đèn trước gió”.

Với tinh thần tình nguyện ngay từ đầu, mỗi cán bộ y tế trong đoàn chi viện luôn nhắc nhở mình không bao giờ chùn bước, phải làm hết sức mình vì sự an toàn cho mỗi người dân, giành lại sự sống cho người bệnh.

Những ngày liên tục làm việc với cường độ lớn, dù phải đối mặt với những nguy cơ lây nhiễm rất lớn trong Trung tâm Hồi sức tích cực, nhưng ở các y bác sĩ vẫn là tinh thần quyết tâm vượt lên trên tất cả, với mong muốn đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất, để cuộc sống của người dân sớm trở về bình thường.

Với 2 đợt chi viện cho Tiền Giang, đoàn công tác của Bệnh viện Hữu Nghị với lực lượng tinh nhuệ đã nỗ lực trong công tác điều trị người bệnh COVID-19; đồng thời còn đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực cho lực lượng y tế tại chỗ, giúp địa phương chủ động trong điều trị người bệnh.

“Sau khi nhận được lời kêu gọi của Bộ Y tế và Bệnh viện, chúng tôi đã đăng ký tình nguyện lên đường đến Tiền Giang. Mặc dù biết trước tình hình vô cùng khó khăn, nhưng với sự nhiệt huyết, quyết tâm tôi và y các bác sĩ đều có hy vọng sẽ cùng địa phương chống dịch thành công và sẽ chiến thắng trở về”, BS.Lê Phú Tài, Khoa Nội Tiêu hoá, Bệnh viện Hữu Nghị đã nêu quyết tâm ngay từ khi lên đường đi chống dịch.

Nhờ những nỗ lực đó, tỉnh Tiền Giang dần kiểm soát, khống chế được dịch; khi Trung tâm Hồi sức tích cực bắt đầu có giường trống, nhìn các bệnh nhân COVID-19 lần lượt ra viện là những phút giây hạnh phúc không gì sánh được của các y bác sĩ. Hơn ai hết, họ lại cháy rực niềm hy vọng ngày trở về trong tư thế chiến thắng, ngẩng cao đầu.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, nơi tâm dịch nóng nhất cả nước, những ngày gần đây khi số ca mắc giảm mạnh, cũng là lúc các Trung tâm Hồi sức tích cực đã “thảnh thơi” hơn, các lực lượng chi viện xây dựng các Trung tâm này cũng yên tâm rút khỏi tâm dịch.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Bạch Mai hoàn thành sứ mệnh, bàn giao lại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho Bệnh viện nhân dân Gia Định tiếp tục quản lý. Ảnh: BV

Ngày 15/10 vừa qua, sau 2,5 tháng hoạt động, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành bàn giao lại cho Bệnh viện nhân dân Gia Định tiếp tục quản lý.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã nỗ lực hết sức thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh với sự chuẩn bị khẩn trương cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực. Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động, thu dung điều trị người bệnh COVID-19 từ ngày 11/8/2021.

Bệnh viện đã cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… để đảm nhiệm hoạt động của Trung tâm này.

Chia sẻ về quá trình hoạt động của Trung tâm thời gian qua, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mặc dù phải triển khai trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn nhưng với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”, đội ngũ nhân lực tinh nhuệ nhất, hệ thống máy móc hiện đại nhất đã được huy động để chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Nhiều kỹ thuật cao, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị đã được triển khai. Bên cạnh các kỹ thuật điều trị thường quy như thở oxy kính/mask, thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm nhập và thở máy xâm nhập, Trung tâm đã triển khai các kỹ thuật cao như ECMO, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ cytokine, thở khí NO, kỹ thuật cắt lớp phổi trở kháng (EIT)... Sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lâm sàng và cận lâm sàng là tiền đề để điều trị hiệu quả các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch”.

Trong thời gian hơn 2 tháng qua, Trung tâm đã tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch, chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục điều trị; 213 ca đã được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của người thân và các thầy thuốc, trong đó nhiều ca nguy kịch đã được cứu sống ngoạn mục.

Tri ân sự sẻ chia của các đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng chia sẻ: “Có thể 20-30 năm sau chúng ta sẽ nhìn đây như một công trình của thế kỷ. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, chúng ta đã hoàn thành một trung tâm hồi sức với quy mô 360 giường ICU và 1 bệnh viện dã chiến 2.600 giường. Đặc biệt, nguồn nhân lực Bệnh viện Bạch Mai huy động vào là những thầy thuốc tinh nhuệ nhất, chia sẻ với TP Hồ Chí Minh”.

Chú thích ảnh
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tình nguyện lên đường đi chống dịch. Ảnh: BV

Cũng đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh trong suốt 2 tháng qua, nhớ lại những ngày các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hối hả cùng đoàn tàu chở hàng tấn trang thiết bị y tế khẩn trương vào xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến 13 (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đến nay, có thể nói họ đã thành công như mong ước ban đầu. Đoàn y bác sĩ chi viện của Bệnh viện Việt Đức đã nỗ lực hết mình, hồi sinh cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, góp phần "chữa lànhcho Thành phố mang tên Bác.

Kể từ ngày 11/8, khi Trung tâm bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 nặng đầu tiên đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 971 bệnh nhân mà phần đông trong số đó là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tính đến nay, đã có gần 600 bệnh nhân ra viện, hiện trung tâm đang điều trị cho 36 trường hợp bệnh nhân trong đó có 12 bệnh nhân thở máy và 2 bệnh nhân phải hỗ trợ HFNC.

Chú thích ảnh
Hàng tấn trang thiết bị, máy móc được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển vào xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến 13 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BV

"Mang theo tình cảm nồng ấm của người dân TP Hồ Chí Minh trước khi trở về Hà Nội để tiếp tục công việc của mình, chúng tôi rất xúc động trước sự gửi gắm, tin tưởng của người dân TP Hồ Chí Minh dành cho Trung tâm trong thời gian vừa qua. Sự nỗ lực của chúng tôi thời gian qua cũng là sự mong mỏi TP Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch và sớm trở lại nhịp sống bình thường", TS.BS Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 chia sẻ.

Từ ngày 14/10, đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã bàn giao lại Trung tâm cho Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tiếp tục quản lý. Rời TP Hồ Chí Minh, các y bác sĩ lại trở về với công việc thường nhật của mình sau những ngày kết thúc cách ly phòng dịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thời gian qua, có lúc TP Hồ Chí Minh rất khó khăn, dịch bùng phát rất mạnh, nhưng nhân viên y tế của Thành phố và lực lượng chi viện đã kề vai sát cánh để có kết quả tốt đẹp như hiện nay. Đã có 7 Trung tâm hồi sức tích cực được thiết lập để cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đang kiểm soát được dịch, Bộ Y tế cũng tin tưởng với năng lực y tế của TP Hồ Chí Minh sẽ đảm đương được sau khi các lực lượng chi viện được rút về.

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang dần khỏe lại. Những ngày qua, nơi tâm dịch có thể đếm được số nhân viên y tế đến chi viện, ước lượng được bao nhiêu tấn hàng hoá, trang thiết bị y tế đã được chuyển đến; nhưng không thể đếm được đã có bao nhiêu giọt mồ hôi bên trong lớp áo bảo hộ. Tất cả chỉ có thể cảm nhận qua những yêu thương, tận tụy mà các chiến sĩ áo trắng đã dành cho các điểm nóng dịch trong lúc hiểm nguy và gian khổ.

Chú thích ảnh
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Chi viện nhân lực cho TP Hồ Chí Minh để sớm khống chế dịch COVID-19
Chi viện nhân lực cho TP Hồ Chí Minh để sớm khống chế dịch COVID-19

Chiều 27/8, Thành đoàn Cần Thơ phối hợp cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã ra quân, đưa đoàn cán bộ, sinh viên nhà trường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN