Theo thống kê Globocan 2020, Việt Nam ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, trong đó ung thư máu đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm 3,4% các ca mắc mới. Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống ung thư 4/2, hãng tin Sputnik của Nga đã điểm lại những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực phòng chống ung thư máu trong năm 2020.
Trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong điều trị ung thư máu, vượt qua những khó khăn và cuộc khủng hoảng nguồn người hiến máu do đại dịch COVID-19 gây ra, ngành huyết học và truyền máu Việt Nam đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động người hiến máu và tổ chức tiếp nhận, cung cấp máu an toàn, góp phần vào thành công chung của Việt Nam trước đại dịch.
Theo các báo cáo được trình bày tại Hội nghị Khoa học huyết học - truyền máu toàn quốc diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, đội ngũ các nhà nghiên cứu, bác sĩ Việt Nam đã ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc trong điều trị ung thư máu nhằm đem lại chất lượng cuộc sống tốt với thời gian sống kéo dài cho người bệnh; thực hiện thành công khảo sát dịch tễ về tan máu bẩm sinh trên toàn quốc và phối hợp thực hiện chương trình tầm soát gen bệnh, tiến tới giảm dần số trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh tại một số địa phương…; phát triển liên tục trong hoạt động ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gene ở bệnh ung thư máu, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền. Bên cạnh đó, hoạt động truyền máu đã triển khai đồng bộ xét nghiệm sinh học phân tử (NAT), tăng khả năng kiểm soát các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu; chuẩn hoá quy trình điều chế nhiều chế phẩm máu; chú trọng đến truyền máu hoà hợp nhằm nâng cao hiệu quả truyền máu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn người hiến máu và chất lượng đơn vị máu….
Ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước khiến nhiều hoạt động tiếp nhận máu chữa trị cho các bệnh nhân ung thư máu nói riêng và bệnh về máu nói chung bị gián đoạn, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã nỗ lực không để rơi vào tình trạng thiếu máu khi kêu gọi người dân có đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu, đặc biệt là các nhóm máu hiếm đến hết tháng 2/2021. Ngoài ra, viện đã phát động Chương trình Hiến máu, hiến tiểu cầu “Blouse trắng - Trái tim hồng” trong toàn thể cán bộ, nhân viên viện vào ngày 1/2 vừa qua. Đây là hoạt động thường niên được triển khai nhiều năm qua tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Việc ứng dụng công nghệ cũng được phát huy nhằm tạo sự thuận lợi và đảm bảo an toàn cho người hiến máu. Nhằm chăm sóc người hiến máu ngày một tốt hơn, mới đây, Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đã cho ra mắt ứng dụng di động “Hiến máu” và tài khoản chính thức trên mạng xã hội Zalo. Ứng dụng này cho phép người hiến máu có thể tra cứu các thông tin về hiến máu, địa điểm hiến máu, nhu cầu máu của các bệnh viện, đăng ký hiến máu thuận tiện, theo dõi chi tiết lịch sử các lần hiến máu của bản thân, hành trình đơn vị máu hiến.
Tài khoản chính thức của Trung tâm Máu quốc gia trên mạng xã hội Zalo cũng là một kênh tương tác thân thiện với người hiến máu. Tại đó, các câu hỏi của người hiến máu sẽ được trả lời một cách nhanh chóng kèm các thông tin hữu ích, giải đáp những thắc mắc của người đã hiến hoặc trong trường hợp có tác dụng phụ xảy ra. Những cải tiến này giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và lan tỏa công tác hiến máu cho nhiều người biết hơn, đồng thời mang lại sự yên tâm khi được chăm sóc, “gỡ rối thông tin” bất cứ lúc nào.