Bệnh nhân Trần Văn T., 43 tuổi, ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu cho biết, hơn 1 tháng nay, anh có triệu chứng ho khan, đau ngực trái. Anh đã đến khám tại 2 bệnh viện khác nhau và được chẩn đoán viêm phổi, tràn dịch màng phổi, trào ngược dạ dày thực quản kéo dài. Sau 1 tháng chữa trị, tình trạng bệnh không giảm, ho và nặng ngực trái gia tăng.
Ngày 16/7, anh T nhập viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Kết quả CT Scanner ngực có cản quang, hình đông đặc thùy dưới phổi trái và tràn dịch màng phổi trái. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn, nhận định có thể bệnh nhân bị viêm phổi hậu tắc nghẽn.
Bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản thám sát. Kết quả nội soi phế quản nghi ngờ có dị vật ở lỗ phế quản thùy dưới bên trái kèm hình ảnh viêm giả mạc và niêm mạc phế quản xung quanh.
Bệnh nhân ngay lập tức được tiến hành nội soi ống soi mềm, dị vật được xác định là hạt vú sữa.
Sau can thiệp lấy dị vật, bệnh nhân giảm nặng ngực, giảm ho, tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt gần như bình thường.
Theo tiến sỹ, bác sĩ Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp dị vật bỏ quên, thường dị vật là các hạt, đa số bệnh nhân không nhớ. Các trường hợp này thường gặp ở người lớn tuổi.
Đôi lúc hóc dị vật, triệu chứng xâm nhập không rõ ràng, dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Bệnh nhân thường được phát hiện qua các biến chứng như viêm phổi tái diễn nhiều lần, áp-xe phổi. Trường hợp nặng có thể gây tử vong cho bệnh nhân.
Do đó, lời khuyên với các bệnh nhân trong trường hợp nghi bị hóc, dù ngay lúc đó cảm thấy bình thường, cũng nên đến bệnh viện kiểm tra ngay, tránh trường hợp dị vật di chuyển vào phổi gây những biến chứng nguy hiểm.