2 giờ sáng kết thúc công việc truy vết ở trạm y tế phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh), sinh viên Nguyễn Hữu Đức Anh (Y5, Y học dự phòng, Trường ĐH Y Hà Nội) mới về chỗ nghỉ. Dù đi ngủ muộn nhưng 6 giờ sáng, Đức Anh đã dậy, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngày mới.
Đức Anh cho biết: “Tôi là một trong 60 sinh viên Y học dự phòng của Trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện đến Bắc Ninh đợt 2 - ngày 27/5. Buổi trưa khi đến nơi, chúng tôi được phân công nhiệm vụ và bắt tay ngay vào công việc đến trạm y tế phường Khắc Niệm truy vết. Từ hôm sau, công việc bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng và kết thúc là 2 giờ sáng ngày hôm sau. Phường Khắc Niệm đang là điểm nóng của TP Bắc Ninh nên khối lượng công việc khá nhiều”.
Công việc chủ yếu là hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, truy vết và hướng dẫn người đến khám, khai báo y tế tại trạm y tế phường Khắc Niệm.
Đức Anh tâm sự: “Khi tình nguyện ở đây chúng tôi được các cô chú và anh chị ở trạm hướng dẫn tận tình, bà con ở phường rất vui vẻ đón tiếp. Mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng tôi tự hào khi góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào công tác chống dịch tại địa phương”.
Huyện Quế Võ cũng là một trong những điểm nóng của Bắc Ninh về dịch COVID-19. Địa phương này đã đón hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học được đào tạo về y, dược tham gia tình nguyện. Từ 6 giờ sáng, các sinh viên đã dậy và sẵn sàng nhận nhiệm vụ ngày mới.
Sinh viên Nguyễn Quang Vĩnh (Y5, Y học dự phòng, Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên được tham gia tình nguyện ở tâm dịch, tôi cảm thấy tự hào bởi đây cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc môi trường thực tế với quy mô lớn. Đây cũng là cơ hội để tôi đóng góp sức mình đẩy lùi dịch bệnh. Ban đầu khi mới đến tôi khá lo lắng, nhưng sau một ngày làm quen với công việc, tôi bắt nhịp được và thành thạo công việc được phân công”.
“Dịp này chúng tôi đang ôn thi cuối kỳ và mới hoàn thành được vài môn, nhưng nhà trường tạm hoãn thi do dịch COVID-19 nên các sinh viên đã lên đường đi tình nguyện. Chúng tôi xác định, với sinh viên y, nhiệm vụ luôn bất ngờ và bản thân luôn trong tâm thế sẵn sàng”, Nguyễn Quang Vĩnh cho biết thêm.
Tại huyện Quế Võ, những đoàn tình nguyện được chia làm nhiều nhóm. Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng được chia từng ca trong ngày. Có những lúc, số mẫu lấy xét nghiệm lên tới 8.000 mẫu nên các bạn sinh viên như Quang Vĩnh đã làm việc rất cố gắng, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau để hoàn thành công việc được giao.
Tính đến nay, đã có 1.976 cán bộ, sinh viên thuộc 15 Trường Đại học và Cao đẳng Y Dược đang tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Điện Biên, Bệnh viện K và trợ giúp Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong việc thực hiện theo dõi, đánh giá và báo cáo diễn biến dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Trường Đại học Y Hà Nội cử hai đoàn sinh viên tình nguyện tới Bắc Ninh. Đó là những sinh viên ngành Y học dự phòng cùng tham gia tình nguyện. Trước khi lên đường, các bạn sinh viên được tập huấn hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ... Trong buổi lên đường tình nguyện vào tâm dịch, GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội đã động viên, căn dặn các sinh viên nêu cao tinh thần tình nguyện, mang hết chuyên môn, trách nhiệm của mình để giúp đỡ nhân dân.
Theo GS. TS Tạ Thành Văn, đợt ra quân đầu tiên, Trường Đại học Y Hà Nội có 40 cán bộ và sinh viên tình nguyện chi viện cho Bắc Ninh và được đánh giá rất cao trong việc phối hợp với nhân viên y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch. "Chúng tôi hy vọng cán bộ và sinh viên nhà trường sẽ nỗ lực hết mình, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến chống dịch của cả nước. Đồng thời, đây cũng được coi như một cơ hội để các em có dịp trải nghiệm, tiếp xúc với thực tiễn”, GS. TS Tạ Thành Văn cho biết.
Được biết, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang tiếp tục mở các lớp tập huấn hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ cho sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội để sẵn sàng đáp ứng tình hình thực tiễn và phục vụ tốt nhất nhiệm vụ ngành Y tế giao cho.