Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết, tổng số người được tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 tại TP Hồ Chí Minh hiện nay là 6,9 triệu người; nếu theo số liệu số thống kê TP Hồ Chí Minh có 7,2 triệu người trên 18 tuổi (số liệu trước khi thực giãn cách) thì tỷ lệ tiêm mũi 1 đã đạt 95,8%.
"Hiện Thành phố vẫn còn vaccine phòng COVID-19. Khi Sở Y tế duyệt số lượng, Trung tâm sẽ phân bổ về cho các quận, huyện và TP Thủ Đức", bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng thận trọng khi tiêm ngừa, do đó trong đợt tiêm thứ 3 và thứ 4, nhóm phụ nữ mang thai chưa được tiêm bởi đây là đối tượng cần phải kiểm soát chặt chẽ theo Bộ Y tế hướng dẫn.
“Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cho phép phụ nữ mang thai 13 tuần trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19, theo đó Sở Y tế đã phân bổ 100.000 liều vaccine cho các bệnh viện có khoa Sản để tiêm cho nhóm đối tượng này”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang triển khai Tổng đài tiếp nhận tin nhắn đăng ký tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Theo đó, người dân từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và đang ở tại TP Hồ Chí Minh có thể đăng ký bằng cách nhắn tin SMS đến Tổng đài 8066 với cú pháp như sau: MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen.
Trong đó: “HoTen” là họ và tên của người đăng ký tiêm, “NamSinh” là năm sinh của người đăng ký tiêm, “QuanHuyen” là quận hoặc huyện người đăng ký tiêm đang sinh sống. Tổng đài sẽ chuyển danh sách đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 đến UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện với tần suất 1 giờ/lần để các địa phương tổng hợp, tổ chức tiêm chủng cho người dân.
Về công tác điều trị, TP Hồ Chí Minh hiện có 90 cơ sở thu dung điều trị của 3 tầng. Tầng 1 có 12 cơ sở cách ly; tầng 2 có 68 bệnh viện thu dung, điều trị dã chiến và bệnh viện thành phố hạng 2, hạng 3 và hạng 1 (bệnh viện tách đôi); tầng 3 có 10 cơ sở điều trị. Theo thống kê, tại tầng 3 có 3.286 giường hồi sức, đảm bảo các thiết bị hiện đại để cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân.
“Với số giường này, các cơ sở thu dung điều trị có thể đủ sức cấp cứu, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhận nặng trên địa bàn. Sau khi bệnh nhân tầng 3 có thể xuất viện hoặc nhẹ hơn thì sẽ chuyển xuống tầng 2 hoặc tầng 1. Qua kiểm tra, các bệnh viện làm việc rất nhuần nhuyễn, kịp thời để cứu sống các bệnh nhân”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Về chuyển đổi công năng các bệnh viện trong trạng thái bình thường mới như Bệnh viện Cần Giờ, Củ Chi và một số bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng phải có lộ trình, khi quyết định chuyển đổi phải có phương án thật chắc chắn để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đó.
Tính từ 17 giờ ngày 21/9 đến 17 giờ ngày 22/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 5.435 trường hợp nhiễm mới. Hiện Thành phố đang điều trị 40.970 bệnh nhân, trong đó có 3.731 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.174 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.