TP Hồ Chí Minh: Cán bộ, công chức đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc theo lộ trình

Theo lộ trình, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại TP Hồ Chí Minh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ được trở lại làm việc bình thường nhưng vẫn phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ.

Chú thích ảnh
Hàng ngày, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp tình dịch bệnh trong 24 giờ qua. 

Người có thẻ xanh sẽ đi làm trở lại

Chiều ngày 21/9, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản 3086 về đổi mới phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn. Đáng chú ý, có quy định sẽ bố trí làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ và đi làm theo lộ trình quy định. 

Chú thích ảnh
Người lao động muốn đi làm cần phải tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch COVID-19.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến 30/9, chỉ sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị chủ yếu giải quyết công tác phòng, chống dịch, những công tác cấp bách, những hồ sơ mang tính chất khẩn, mật và thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cấp độ 4.

Gian đoạn từ ngày 1/10 đến 31/10, bố trí cán bộ, công chức, người lao động thực hiện TTHC mức độ 3-4, thực hiện tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ hành chính công để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Trong giai đoạn này, việc bố trí số lượng cán bộ công chức, không quá ½ số lượng cán bộ của đơn vị.

Giai đoạn từ 1/11 đến 15/1/2022, các cơ quan, đơn vị cần bố trí cán bộ, công chức, người lao động làm việc trực tiếp tại cơ quan không quá 2/3 số lượng cán bộ của đơn vị và tiếp tục thực hiện dịch vụ công mức độ 3-4; từ sau ngày 15/1/2022 trở đi, bố trí số lượng cán bộ phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị, còn lại sắp xếp làm việc tại nhà.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước cần quản lý chất lượng làm việc tại nhà do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, từng bộ phận kiểm tra. Đây là kết quả đánh giá cán bộ công chức, viên chức hàng quý và cuối năm.

Theo ông Lâm Hùng Tấn, từ ngày 1/10 trở đi, ngoài cán bộ công chức đã tiêm 2 liều vaccine, các trường hợp được cấp "thẻ xanh COVID-19" sẽ được bố trí làm việc tại cơ quan, đơn vị. Lộ trình tiếp theo, các cơ quan, đơn vị được bố trí tăng số lượng phù hợp và F0 khỏi bệnh vẫn được bố trí làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, người dân khi tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn phải xét nghiệm COVID-19 âm tính theo định kỳ.

Shipper sẽ tự xét nghiệm

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm của shipper, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, công tác xét nghiệm cho lực lượng giao hàng sử dụng công nghệ (shipper) có thời điểm gặp khó khăn khi số lượng đăng ký tăng cao. Vì vậy sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ để doanh nghiệp tự triển khai và chịu trách nhiệm với kết quả xét nghiệm, cơ quan quản lý giám sát, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sẽ thực hiện quản lý vấn đề này.

Chú thích ảnh
Sắp tới, các shipper sẽ tự thực hiện xét nghiệm và được quản lý bằng các ứng dụng công nghệ. 

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, vừa qua, các shipper xuất trình giấy đi đường và xét nghiệm tại các chốt có nhiều bất cập, gây nên tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm tra. Tuy nhiên, với hướng dẫn mới nhất, doanh nghiệp sẽ tự thực hiện xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm với kết quả. Kết quả xét nghiệm của các shipper sẽ được công bố qua app công nghệ, như vậy việc kiểm tra vừa nhanh và tiện lợi, vừa an toàn.

Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra văn bản 3120 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét nghiệm của shipper, đồng thời tiến tới quản lý xét nghiệm bằng công nghệ. Đáng chú ý, có 3 nội dung chính được thực hiện.

Thứ nhất, các trạm y tế lưu động sẽ thực hiện xét nghiệm với shipper đến hết ngày 21/9. Thứ hai, bắt đầu từ 22/9 đến 23/9, doanh nghiệp và shipper sẽ tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên ứng dụng của doanh nghiệp, sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh hướng dẫn; bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh. Shipper lấy mẫu theo nguyên tắc gộp 3 người, 3 ngày/lần. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng quản lý shipper nhận bộ test nhanh tại Sở Công Thương. Trong thời gian này, shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.

Chú thích ảnh
Các đơn hàng "đi chợ hộ" của các shipper tăng cao đã giúp giảm áp lực cho đội ngũ "đi chợ hộ" tại địa phương. 

Thứ ba, từ ngày 24/9 đến 30/9, doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh để phục vụ công tác chống dịch. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, kết quả xét nghiệm. Trường hợp shipper không đáp ứng đủ điều kiện trên sẽ không được tham gia hoạt động.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nhờ hoạt động của shipper trong thời gian qua nên lực lượng "đi chợ hộ" đã được giảm tải khá nhiều. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng dịch, các shipper cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định 5K của Bộ Y tế, tiêm vaccine ít nhất 1 mũi và xét nghiệm COVID-19 thường xuyên...

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Giá hàng hoá, thực phẩm không tăng quá cao trong mùa dịch
TP Hồ Chí Minh: Giá hàng hoá, thực phẩm không tăng quá cao trong mùa dịch

Chiều 21/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Gám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, giá cả hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua cũng như thời điểm hiện tại tương đối ổn định, không có sự tăng giá đột biến hay quá cao. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN