Chiều 16/1, đại diện bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân H.B.K, (sinh năm 1971, ở Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh ) trong tình trạng nguy kịch do vỡ eo động mạch chủ ngực.
Chị Thanh Hà, vợ của bệnh nhân, kể: Vào đêm ngày 15/11/2017, có một người tới nhà báo chồng chị bị tai nạn giao thông đang nằm cấp cứu trong Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Sáng hôm sau, khi anh K. được chuyển xuống khoa chấn thương chỉnh hình thì huyết áp giảm, khó thở liên tục. Sau đó, anh K. được chụp CT lồng ngực và được chẩn đoán bị vỡ động mạch có thể tử vong bất cứ lúc nào. Trước tình trạng nguy kịch, bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân Gia định quyết định chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Anh K. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng mất máu, mạch và huyết áp không đo được, gãy xương cánh tay và cẳng chân phải. Nhận định đây là một ca rất nguy kịch, các bác sĩ đã bỏ qua mọi thủ tục hành chính và tiến hành mổ cấp cứu ngay cho bệnh nhân.
Đây là một trong những trường hợp bị vỡ động mạch chủ rất may mắn được cứu sống thành công. |
Bác sĩ Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nguy hiểm nhất của bệnh nhân lúc này là bị mất máu rất nhiều, bởi động mạch chủ là động mạch chính lớn nhất của cơ thể con người. Khi bị rách sẽ chảy máu ào ạt ra xung quanh, đặc biệt là khoang màng phổi làm cho tình trạng bệnh nhân nguy kịch.
Bác sĩ Phạm Minh Ánh kể thêm: Thông thường quả tim sẽ nằm ở 2 trung thất trước trong lồng ngực. Tuy nhiên, với trường hợp này, khi bác sĩ Ánh đưa bàn tay vào tìm quả tim để bóp cho hồi sức lại vì mạch không còn nữa, nhưng dường như quả tim lại không nằm vị trí bình thường đó.
“Quả tim lúc này đã xẹp xuống vì đã không còn máu để co bóp. Nhưng rất nhanh sau đó, khi lượng máu được truyền đủ, quả tim lại căng phồng lên, mấp máy những nhịp đập trở lại. Tôi đã phải thực hiện 3 lượt bóp tim rồi sau đó thả ra để quả tim tự mình đập trở lại ”, bác sĩ Ánh chia sẻ thêm.
Theo các bác sĩ , trong quá trình mổ rất nhiều lần bệnh nhân bị ngưng tim và khả năng tử vong là 99% trên bàn mổ. Để cứu chữa cho bệnh nhân K, các bác sĩ đã phải truyền 20 đơn vị máu, thay gần như toàn bộ số máu có trong cơ thể. Sau khi phẫu thuật, bênh đã được điều trị tích cực và đến nay đã tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh hiệu tốt. Bệnh nhân không bệnh tổn thương não, suy gan, suy thận. Dự kiến, bệnh nhân được xuất viện ngày 17/1.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, hầu hết các trường hợp vỡ động mạch chủ ngực đều tử vong chỉ sau đó vài phút vì bị mất máu ồ ạt. Trường hợp này, bệnh nhân có thể chịu đựng được khoảng 12 giờ sau khi tai nạn xảy ra là "trong rủi có may". Đây là ca thứ 2 bị vỡ động mạch chủ được cứu sống thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy.