Thanh thiếu niên cần phải được tiêm ngừa bệnh não mô cầu

Thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu cao thứ 2 trong các nhóm lứa tuổi. Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về việc tiêm ngừa não mô cầu cho nhóm tuổi này còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia y tế khuyến nghị phụ huynh cần quan tâm tiêm vaccine ngừa bệnh não mô cầu và bạch hầu - uốn ván - ho gà cho thanh thiếu niên. 

Ngày 5/5, tại toạ đàm “Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu - uốn ván – ho gà trên thanh thiếu niên” do Công ty TNHH Sanofi – Aventis Việt Nam tổ chức, TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh do não mô cầu (BDNMC) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. BDNMC có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim… Trong đó, viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp.

Đường lây của BDNMC là đường hô hấp, do đó nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhất là ở nơi đông người và tiếp xúc gần. Theo TS.BS Nguyễn An Nghĩa, vì triệu chứng giai đoạn sớm giống như bệnh cúm, rất khó phân biệt nên nhiều phụ huynh thường hay nhầm lẫn, dẫn đến không điều trị kịp thời.

“Mới đây có một bệnh nhi 4 tuổi được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong giai đoạn 12 giờ, kể từ khi bé phát sốt. Đây là giai đoạn vàng nên bé được cấp cứu kịp thời, qua khỏi cửa tử. Tuy nhiên, sau 8 ngày cứu sống, bé bị hoại chi do nhiễm khuẩn huyết, buộc phải cắt 1 chân và 1 tay”, TS.BS Nghĩa kể. Ông nhấn mạnh: “BDNMC tuy ít nhưng lại là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, có thể tử vong nhanh trong 24 – 48 giờ, hoặc sống sót với nhiều di chứng suốt đời như điếc, liệt, mất chi, chậm phát triển tinh thần”.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Vi sinh và An toàn tiêm chủng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh mong các phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của tiêm vaccine ngừa cho trẻ dưới 5 tuổi và các trẻ thanh thiếu niên. Đây là 2 nhóm trẻ dễ bị lây nhiễm bệnh nhất, nhất là nhóm trẻ thanh thiếu niên ít được quan tâm hiện nay. Với việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ sẽ kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời hạn chế gánh nặng bệnh tật mà các bệnh truyền nhiễm mang lại.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh thường tập trung tiêm chủng cho trẻ nhỏ mà bỏ qua hoặc chưa nhận thức đầy đủ về việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên, từ đó dẫn đến tỷ lệ thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng BDNMC còn hạn chế.

Tương tự, bệnh bạch hầu - uốn ván – ho gà, dù được tiêm chủng trong 2 năm đầu đời nhưng theo thời gian, kháng thể từ các mũi tiêm này sẽ giảm dần, không còn đủ khả năng bảo vệ cho trẻ. Có thể thấy, trong năm 2019 - 2020, dịch bạch hầu đã bùng phát ở Tây Nguyên khiến hàng nghìn người phải cách ly, hàng trăm người mắc bệnh và nhiều tường hợp tử vong. Đa số các ca mắc là thanh thiếu niên và người lớn chưa chủng ngừa hoặc chưa được chủng ngừa đầy đủ.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần quan tâm phòng ngừa bệnh cho thanh thiếu niên. Điều này không chỉ giúp bảo vệ bản thân trẻ mà còn góp phần bảo vệ mọi người xung quanh. “Bé từ 4 tuổi trở đi có thể tiêm vaccine nhắc 10 năm 1 lần để duy trì kháng thể phòng bệnh”, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa khuyến nghị.

Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Nam thanh niên bị nhiễm não mô cầu sau khi quan hệ đồng giới
Nam thanh niên bị nhiễm não mô cầu sau khi quan hệ đồng giới

Sau 5 ngày quan hệ với bạn đồng giới tại một cơ sở massage ở TP Hồ Chí Minh, anh N.Q.H (23 tuổi, Đồng Nai) thấy xuất hiện triệu chứng “nhồn nhột” ở đường tiểu và thấy rát buốt khi đi tiểu kèm xuất hiện mủ màu trắng vào buổi sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN