Thái Bình trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, hiện đang là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

Chú thích ảnh
​​​​Cán bộ y tế pha hóa chất, phun khử khuẩn nơi phát sinh ca mắc sốt xuất huyết. Ảnh: thaibinh.gov.vn

Thống kê từ ngày 23 - 29/9, toàn tỉnh ghi nhận thêm 43 trường hợp mắc, trong đó có 16 ca nội sinh; nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn từ đầu năm 2024 đến nay là 688 ca (trong đó 454 ca nội sinh), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Đặc biệt, trên địa bàn đã xuất hiện một số ổ dịch có chùm ca bệnh và ca bệnh thứ phát tại phường Tiền Phong, Bồ Xuyên, Phú Xuân, Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) và xã Tân Hòa, Bách Thuận (huyện Vũ Thư). Với mật độ dân cư cao, hiện, thành phố Thái Bình là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết, ca nội sinh cao nhất toàn tỉnh. Đến ngày 26/9, thành phố đã ghi nhận 227 ca mắc, trong đó 209 ca nội sinh.

Trước diễn biến dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố thực hiện điều tra véc tơ truyền bệnh tại các khu vực ổ dịch nguy cơ cao. Kết quả giám sát cho thấy, chỉ số BI (Breteau index - chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn, giúp xác định mối nguy cơ dịch bệnh bùng phát) và chỉ số mật độ muỗi ở mức cao. Trong đó, phường Bồ Xuyên có chỉ số BI cao nhất là 30; phường Kỳ Bá chỉ số này là 26,6. Nhiều vật dụng, phế thải chưa được các hộ dân xử lý, nhiều dụng cụ chứa nước không đậy kín… Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan về dịch sốt xuất huyết, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn.

Để khống chế, không để dịch lây lan và bùng phát, ngành Y tế Thái Bình chỉ đạo các địa phương thường xuyên thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch và phun hóa chất khử khuẩn. Đồng thời, ngành tiếp tục duy trì hoạt động thường trực phòng, chống dịch; củng cố các đội đáp ứng nhanh; phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh thường xuyên gia đình, nơi công cộng, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết.

Cơ quan y tế khuyến cáo, khi phát hiện dấu hiệu của bệnh như: sốt, đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các khớp, cơ, buồn nôn, nổi mẩn đỏ hoặc phát ban, chảy máu ở nhiều vị trí với mức độ tăng dần, người dân không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn kịp thời.

Thu Hoài (TTXVN)
Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh sau mưa lũ
Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh sau mưa lũ

Mưa ngập, nước đọng, điều kiện vệ sinh không đảm bảo... là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi mạnh, có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN