Chuẩn bị các tình huống
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, mô hình cách ly F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà đã có thể áp dụng phù hợp tình hình dịch bệnh. Hiện có TP Hồ Chí Minh đã áp dụng rộng rãi mô hình này.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 16/8, TP Hồ Chí Minh có 41.209 trường hợp F0 được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà; trong đó có 15.554 trường hợp F0 mới và 25.655 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các F0 tự cách ly, điều trị tại nhà, TP Hồ Chí Minh có chủ trương thí điểm gói chăm sóc F0 không có triệu chứng tại nhà; mô hình thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0.
Theo đó, các trường hợp F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng, được cung cấp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe để tự chăm sóc tốt nhất.
Theo Bộ Y tế, tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai cho thực hiện theo dõi y tế tại nhà đối với những người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng. Theo thống kê sơ bộ mới nhất, Bình Dương đang có gần 1.000 trường hợp F0 không triệu chứng được theo dõi y tế tại nhà.
Để hỗ trợ cho người nhiễm COVID-19 theo dõi cách ly y tế tại nhà, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập những đội hỗ trợ nhanh, đường dây nóng để tư vấn, nắm thông tin và kịp thời xử lý khi người dân cần. Đến nay đã có nhiều trường hợp khỏi bệnh.
Theo đó, để quyết định cho phép người nhiễm COVID-19 không triệu chứng được cách ly y tế tại nhà, Bình Dương chú trọng khâu khám sàng lọc; đây là khâu cần được thực hiện kỹ, để xác định những người nhiễm không có bệnh lý nền. Các F0 cách ly tại nhà cũng phải cam kết tuân thủ quy định về cách ly y tế.
Thời gian qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đã có nhiều trường hợp F0 với sự hỗ trợ của các thuốc thông thường cùng điều kiện chăm sóc, tư vấn tốt đã tự khỏi bệnh. Với những F0 không triệu chứng, việc được ở nhà giúp các F0 này có tâm lý thoải mái, từ đó cũng sẽ nhanh khỏi bệnh hơn.
Theo Bộ Y tế, hiện đã có những tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với các F0 để họ có thể tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà và những tình huống cần liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Cụ thể, các F0 được hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe tại nhà bằng cách: Đeo khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân; thay khẩu trang 2 lần/ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang; thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như: Tay nắm cửa, bồn cầu, bàn ghế…
Các F0 cần đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt; thực hiện khai báo y tế ít nhất mỗi ngày 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử". Đồng thời, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
Các F0 cũng được cung cấp có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ. Khi có một trong các triệu chứng như: Sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở; F0 liên hệ với nhân viên y tế qua tổng đài để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành", hoặc gọi số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.
Khi F0 có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi; đầu chi có chỉ số SpO2 dưới 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) sẽ liên hệ ngay tổng đài "115" hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Qua phân tích dịch tễ và ca bệnh lâm sàng cho thấy, hiện vẫn có tới 80- 82% người nhiễm SARS-CoV-2 là không triệu chứng và triệu chứng nhẹ; 20% còn lại có biểu hiện vừa, trung bình, trong đó tỷ lệ chuyển biến thành nặng khoảng 5%, sang rất nặng là 0,5-1%. Từ mô hình bệnh học này cho thấy, 80% số ca nhiễm không triệu chứng và triệu chứng nhẹ hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến huyện, các bệnh viện dã chiến, tại nhà mà không cần phải ở bệnh viện”.
Bộ Y tế cũng cho rằng, việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19.
Cách ly F0 phù hợp với điều kiện từng gia đình
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hướng dẫn cách ly F0 tại nhà được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của quốc tế, mô hình triệu chứng bệnh học về điều trị F0 tại nhà để những hướng dẫn cụ thể, phù hợp. Hướng tới mỗi gia đình sẽ trở thành một “home care”- phòng y tế tại nhà. Với chiến lược này, F0 cách ly tại nhà cũng theo dõi như các F1, F2 trước kia; đặc biệt, chú ý vấn đề cách ly với những người khác trong gia đình, đảm bảo quản lý lây nhiễm chéo trong gia đình với cộng đồng và có các cam kết, điều kiện cụ thể.
Theo đó, việc tư vấn, hỗ trợ cho người F0 cách ly tại nhà là vô cùng quan trọng. Các ứng dụng đã được tăng cường để tư vấn cho người bệnh như: Qua điện thoại, Zoom, Zalo, Viber… Đặc biệt, bên cạnh hướng dẫn theo dõi, điều trị; việc an ủi tinh thần, động viên cho người bệnh rất quan trọng, các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cho người dân khi ở nhà cần chăm sóc sức khoẻ, cách ly như thế nào; khi có diễn biến nặng lên thì liên hệ với ai, ở đâu… là những điều kiện phải sẵn sàng chuẩn bị.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đã có chiến lược sử dụng thuốc tại nhà đối với các ca F0, tăng cường tư vấn cho các gia đình và cộng đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc quản lý F0 tại nhà cần sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và lực lượng y tế; trong đó lực lượng y tế đảm nhiệm các vai trò: Xác định các F0 có nguy cơ thấp; theo dõi và hướng dẫn chăm sóc hoặc tự chăm sóc F0 tại nhà; can thiệp kịp thời khi F0 có diễn biến xấu về sức khoẻ trong lúc chờ đưa đi bệnh viện; và xác định F0 đã khỏi bệnh. Đặc biệt, việc theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà bắt buộc phải có thiết bị đo SpO2 tại nhà; y tế cần can thiệp kịp thời khi F0 có diễn biến xấu về sức khoẻ trong lúc chờ đưa đi bệnh viện; cung cấp oxy nếu có thể trong khi chờ đưa bệnh nhân đi bệnh viện nếu trở nặng; đặc biệt là cân nhắc việc sử dụng steroid...
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hết sức quan tâm mô hình cách ly F0 tại nhà; nhất là phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện. Ở Việt Nam, đặc thù khi triển khai mô hình này là còn nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở khu đông dân cư, nông thôn vẫn có nhiều thế hệ cùng chung sống, gia đình trẻ ở cùng người già, nhiều bệnh nền. Việc để có chỗ riêng cho người bệnh cách ly; điều kiện ăn uống, sinh hoạt riêng, điều kiện chăm sóc… vẫn còn hạn chế. Vì vậy, khi áp dụng cách ly F0 tại nhà, cần phải quan tâm đến việc phù hợp với điều kiện văn hoá, kinh tế, xã hội, mô hình gia đình, bệnh tật. Từ đó, có cách triển khai phù hợp với thực tiễn.
“Chúng tôi đang tăng cường và đẩy mạnh áp dụng thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh; các tỉnh hiện nay cũng đang có chiều hướng áp dụng. Chúng ta có thể giao cho tuyến y tế cơ sở, giao cho bác sĩ gia đình, y tế địa phương, khu vực phụ trách theo dõi người bệnh; từ đó có thể xây dựng mạng lưới bác sĩ tình nguyện và nhận tư vấn cho người bệnh tại các phường xã, cụm gia đình cùng với ứng dụng công nghệ, hệ thống thông tin trong tư vấn sức khoẻ, điều trị”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đều phải chuẩn bị ít nhất 40% giường bệnh phục vụ đón bệnh nhân COVID-19; ở tất cả các tuyến, cả cơ sở y tế công và tư, y tế cơ sở đều phải chuẩn bị để khi người dân bị nhiễm có thể dễ dàng tiếp cận y tế. Với mô hình này, tất cả các bệnh viện (trừ bệnh viện dã chiến tiếp nhận 100% người bệnh là bệnh nhân COVID-19) sẽ được tách đôi; thực hiện nhiệm vụ kép đó là vừa điều trị người bệnh thông thường và tiếp nhận điều trị cả COVID-19.