Những ‘tuyến ngoài’ hỗ trợ khẩn cấp cho người bệnh F0

Cùng với các lực lượng thuộc tuyến đầu chống dịch chính quy, một lực lượng tình nguyện “tuyến ngoài” cũng tham gia hỗ trợ người dân không kém phần hùng hậu và đầy nhiệt huyết. Họ là những đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, doanh nghiệp... với tinh thần sẵn sàng “chiến đấu” để giảm tải bệnh tật, khó khăn cho người dân.

Tình nguyên viên là đội ngũ y, bác sỹ

Dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp cùng với số ca nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao đã khiến hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh gần như quá tải. Bên cạnh đó, những trường hợp mới nhiễm hoặc biết mình có nguy cơ nhiễm tỏ ra hoang mang, lo lắng, cần được tư vấn và hỗ trợ y tế. Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ra đời và triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1/8 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 điều phối.

Chú thích ảnh
Rất nhiều tình nguyện viên là đội ngũ y, bác sĩ tham gia hỗ trợ tư vấn cho người dân. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Với 2 đầu số là 1022 và 1800.1119, các tình nguyện viên mạng lưới sẽ chủ động gọi điện chăm sóc, sàng lọc nguy cơ cho các F0, F1. Sau ba ngày hoạt động, 2.071 y, bác sĩ là tình nguyện viên thuộc mạng lưới đã thực hiện hơn 42.000 cuộc gọi tư vấn, tiếp cận 49.681 F0 và F1, trong đó có những gia đình nhiều người mắc bệnh. Gần 500 bệnh nhân đang có triệu chứng nhưng cách ly ở nhà đã được các bác sĩ hướng dẫn y tế và theo dõi sức khỏe từ xa; 245 trường hợp diễn tiến nặng được các bác sĩ thông tin, phối hợp với y tế địa phương đưa bệnh nhân đi cấp cứu và chuyển viện.

Có 5 đối tượng chính được mạng lưới tập trung hỗ trợ là F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; F0 chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); F0 có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; F1 có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; F1 nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân COVID-19.

Xác định đây là mô hình "mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và khả thi" trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các đơn vị y tế chủ động phối hợp mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ người mắc COVID-19. Theo đó, các tổ phản ứng nhanh địa phương, Trung tâm Cấp cứu 115 và Tổ điều phối chuyển bệnh nhân COVID-19 tiếp nhận cảnh báo từ mạng lưới về F0 nguy cơ cao cần nhập viện, từ đó ưu tiên điều phối và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.

Các bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 của quận, huyện tiếp nhận bệnh nhân đã được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và Tổ COVID-19 cộng đồng khám sàng lọc, xác định thuộc nhóm nguy cơ cao.

Từ ngày 5/8, đường dây nóng 0939.596.999 chính thức hoạt động, do mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn.

Bên cạnh mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, group “Giúp nhau mùa dịch” trên Facebook cũng thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia để được tư vấn. Đây là group được thành lập bởi bác sĩ Phan Xuân Trung, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Chưa tới 2 tuần, nhóm thu hút hơn 340.000 thành viên.

Chú thích ảnh
Group "Giúp nhau mùa dịch" có sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ, sẵn sàng hướng dẫn người dân phòng và chống dịch.

Theo chia sẻ của Thạc sỹ - Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, trên group "Giúp nhau mùa dịch", với kinh nghiệm nhiều năm quản lý tiêm chủng và có chứng chỉ an toàn tiêm chủng, anh sẵn sàng hỗ trợ tư vấn mọi người về trực tiếp điều trị COVID-19; các tình trạng bệnh lý nặng, nhiều bệnh lý kết hợpp, bệnh nền; an toàn sử dụng thuốc, vaccine; các vấn đề về tiêm chủng; một số quy định pháp lý trong y khoa... Theo đó, mọi người có thể gọi điện hoặc nhắn tin trên SMS, Zalo để được tư vấn.

Đây chỉ là một trong hàng trăm lời giới thiệu của các y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... đến từ rất nhiều các bệnh viện, cơ sở y tế ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, như một bản lý lịch trích ngang đầy đủ thông tin về tên tuổi, chuyên môn, số điện thoại, thậm chí là thời gian nào có thể nhận điện thoại, trả lời tin nhắn… khi tham gia group.

Ban đầu, group hình thành chủ yếu hỗ trợ tư vấn cho những người mắc một số bệnh mà không thể đến bệnh viện trong mùa dịch. Sau này, các bác sỹ trong nhóm còn phải kiêm thêm việc tư vấn cho cả bệnh nhân F0 cách ly tại nhà, thậm chí lập thành nhiều đội tình nguyện thăm khám tại nhà cho những trường hợp bệnh nhân không thể tư vấn online vì nhu cầu cần được giúp đỡ quá lớn.

Ngoài group trên, còn rất nhiều bác sỹ vẫn hàng ngày lên Facebook cá nhân hướng dẫn F1, F0 đang tự cách ly điều trị tại nhà. Điển hình là bác sỹ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở TP Hồ Chí Minh, hoạt động rất tích cực trên trang Facebook của mình với nhiều bài đăng tải hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân F0, tư vấn tiêm vaccine và cả động viên, trấn an tâm lý hoang mang của người dân trước tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Doanh nghiệp tham gia hỗ trợ

Chú thích ảnh
Thông điệp giúp cộng đồng tương trợ khẩn cấp trong dịch bệnh luôn xuất hiện đầu trang nhật ký Zalo. 

Mỗi lần mở nhật ký Zalo, ai cũng nhìn thấy ngay đầu trang có dòng chữ in đậm “Bạn đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp hoặc muốn hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn? Tham gia ngay”. Đây là tính năng Zalo Connect nhằm giúp người dân dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm hoặc kết nối nhanh với các bác sỹ, chuyên gia y khoa để được tư vấn y tế từ xa. Hay các cá nhân, tổ chức thiện nguyện sẽ nhanh chóng phát hiện những trường hợp đang gặp khó khăn gần khu vực sinh sống của mình. Điều này giúp cộng đồng có thể tương trợ lẫn nhau một cách kịp thời trong dịch bệnh mà vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị giãn cách. 

Tính năng này được Zalo gấp rút hoàn thiện trong 5 ngày với sự đồng hành của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia, hiện đang áp dụng cho TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương.

Với những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng, Zalo đã tạo sẵn biểu mẫu các hạng mục cần thiết cho dịch bệnh bao gồm lương thực (gạo, trứng, thịt cá, rau củ, bánh mì...), nhu yếu phẩm (giấy vệ sinh, bột giặt...), vật dụng y tế (thuốc, cồn, dung dịch kháng khuẩn ...) và tư vấn y khoa (tư vấn bệnh từ xa). Sau đó, người dân điền thêm họ và tên, số điện thoại, địa chỉ để cộng đồng liên hệ nhanh chóng.

Chú thích ảnh
Người dân cần hỗ trợ chỉ cần bấm "Tham gia ngay" sẽ được hướng dẫn và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng. Ảnh: CTV

Thông tin sẽ ngay lập tức được chia sẻ để tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân trong vòng kết nối và cập nhật trên hệ thống bản đồ để nhận được giúp đỡ từ cộng đồng. Lúc này, người dân xung quanh khu vực sinh sống hoặc những tổ chức, nhóm thiện nguyện có thể thấy được thông điệp “cần giúp đỡ” này và tương trợ kịp thời. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý mở tính năng cho phép người lạ liên lạc trên Zalo, đảm bảo rằng lực lượng cứu trợ có thể kết nối nhanh chóng.

Những cá nhân, tổ chức thiện nguyện muốn giúp đỡ những người đang gặp khó khăn bấm chọn “Tôi muốn giúp đỡ”, giao diện sẽ hiện ra danh sách hoặc bản đồ những trường hợp cần giúp đỡ quanh khu vực sinh sống với đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ, tình trạng cần giúp đỡ. 

Tại mục “Tư vấn y khoa”, danh sách đội ngũ bác sĩ tình nguyện chuyên môn cao sẽ được bổ sung liên tục vào hệ thống nhằm kịp thời hỗ trợ người dân. Đồng thời, người dân cũng được hướng dẫn cách cung cấp thông tin đầy đủ để bác sỹ nắm rõ tình trạng bệnh và đưa ra tư vấn từ xa một cách hiệu quả. 

Trong khi đó, dự án "ATM oxy" vừa ra mắt trong đầu tháng 8 cũng đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong việc đổi trả, tiếp cận nguồn cung cấp bình oxy nhằm duy trì việc điều trị, chữa bệnh tại nhà. Đây là dự án do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và PHG Smart home thực hiện .

Chú thích ảnh
Bệnh nhân cần đổi bình oxy liên hệ đường dây nóng (+84) 796 55 5564 (ảnh do ATM Oxy cung cấp)

Với thông điệp “Trao oxy – nối dài sự sống”, ATM Oxy cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ của cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị COVID-19 sớm hồi phục. Thời gian đầu, ATM Oxy hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày với 90 bình oxy loại 8 lít. ATM Oxy sẽ được lập tại các trạm ở các Quận Đoàn  tại 6 quận, huyện gồm: Quận 7, 8, 10, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh, trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, máy thở, oxy càng cần thiết và trở nên khan hiếm; việc chuẩn bị máy móc, oxy trong giai đoạn cả nước đang chống dịch lúc này là cấp thiết. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế và nhiều đơn vị đầu cơ đẩy giá bình lên 4-5 triệu đồng/bình 8 lít khiến việc tìm mua, đổi bình oxy trở nên nan giải. Do đó, ATM Oxy sẽ tăng cường đội xe đổi oxy hàng ngày cho các bệnh viện, với người dân sẽ được hỗ trợ giúp đỡ tại nhà và với người chưa có bình oxy và hoàn cảnh khó khăn thì ATM-Oxy sẽ cho mượn miễn phí.

Chú thích ảnh
Hải Yên/Báo Tin tức
Tạo thuận lợi cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 được hưởng hỗ trợ
Tạo thuận lợi cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 được hưởng hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan rà soát và đã xác định được 12 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN