“Gian hàng 0 đồng”- lá lành đùm lá rách
“Gian hàng 0 đồng” đặt tại Trường Mầm non Hoa Phượng Vàng, phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) những ngày này tiếp nhận lượng lớn rau, củ, quả, đồ thiết yếu… của các tập thể, cá nhân đến trao tặng, nhằm hỗ trợ và sẻ chia lương thực đến nhân dân nghèo, khó khăn trên địa bàn. Tại đây, các mặt hàng sẽ được chia thành từng phần, để người dân có nhu cầu có thể đến nhận miễn phí và mang về.
Sống bằng nghề làm thuê, nhưng do dịch bệnh, chỗ làm đóng cửa nên gia đình bà Phạm Thị Hường, tại phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) gặp rất nhiều khó khăn, phải thường xuyên đến “Gian hàng 0 đồng” để nhận đồ, bà Hường xúc động chia sẻ: “Trong những lúc khó khăn như thế này được chính quyền, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tôi mừng lắm”.
Theo bà Bùi Thị Kim Thư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), xuất phát từ nhu cầu của người dân, thành phố Gia Nghĩa tổ chức “Gian hàng 0 đồng” để sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, trên cơ sở rau, củ, quả, lương thực nhận được, gian hàng đã cấp phát gần 7.000 suất (mỗi suất 6 kg, bao gồm rau, củ, lương thực, thực phẩm…). Bên cạnh đó, gian hàng còn hỗ trợ cung cấp thức ăn cho các bếp ăn, khu cách ly, khu phong tỏa, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch và các gian hàng 0 đồng của các xã, phường trên địa bàn thành phố. Sau thời gian triển khai, gian hàng đã nhận được sự tham gia, quyên góp ủng hộ của 165 tập thể, cá nhân với hơn 160 triệu đồng và 54 tấn rau, củ quả, nhu yếu phẩm thiết yếu.
Ngoài ra, thành phố Gia Nghĩa còn trao tặng 125 suất quà, tổng trị giá 25 triệu đồng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Theo UBND thành phố Gia Nghĩa, sau khi thành phố kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, “Gian hàng 0 đồng” sẽ duy trì hoạt động đến ngày 13/8. Sau đó thành phố sẽ tính hướng hỗ trợ tiếp theo cho phù hợp với nhu cầu người dân.
Ở đâu có khó khăn, ở đó có sẻ chia
Trong những ngày qua, nhiều hình ảnh xúc động được chia sẻ trên mạng xã hội, trên báo chí đã lan tỏa hơn tinh thần tương thân tương ái, ở đâu có khó khăn, ở đó có sẻ chia.
Ngay khi các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, người dân từ các vùng dịch trở về Đắk Nông hoặc đi qua địa bàn tỉnh rất nhiều. Hai em Trần Thị Huyền (sinh năm 2003) và Trần Văn Đủ (sinh năm 2004) hộ khẩu tại xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đi làm thuê ở huyện Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước nhưng khi có dịch, xưởng đóng cửa, hai em phải đi bộ về tỉnh Kon Tum. Khi đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông, hai em đã được các cá nhân đứng ra hỗ trợ quyên góp tiền làm xét nghiệm COVID-19, mua xe máy, ủng hộ tiền mặt để có thể tiếp tục hành trình về nhà với người thân.
“Chị ơi, em âm tính rồi nhé. Em xin cảm ơn các anh chị ở Đắk Nông ạ. Không có mọi người giúp không biết khi nào chúng em mới về đến nhà” - giọng của Đủ mừng rỡ khi gọi điện thông báo với chúng tôi.
Hay hình ảnh các bạn đoàn viên, thanh niên tỉnh Đắk Nông vận động, hỗ trợ người dân thu hoạch rau, củ, quả ủng hộ cho nhân dân tại các tỉnh TP Hồ Chí Minh, Bình Dương chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để trao yêu thương, Tỉnh Đoàn Đắk Nông đã phát động chương trình “San sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Chuyến xe 0 đồng”… hỗ trợ hơn 200 tấn rau củ quả cho người dân các tỉnh gặp khó khăn.
Cùng chung tay chống dịch, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Gia Nghĩa đã tổ chức 8 bếp ăn nghĩa tình tại các điểm trường trên địa bàn thành phố. Hàng ngày, cán bộ, giáo viên vừa tích cực kêu gọi, vừa góp sức, tự tay nấu các phần cơm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Mỗi ngày các bếp ăn phục vụ gần 1.000 suất ăn.
Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Gia Nghĩa cho biết, kinh phí duy trì các bếp ăn được huy động 100% từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, các mạnh thường quân. Ở đâu cần hỗ trợ các phần cơm, các bếp đều cố gắng tiếp nhận để sẻ chia khó khăn.
Ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 đến nay, lực lượng y tế tỉnh Đắk Nông đã tiến hành điều tra, xác minh gần 18.000 trường hợp có nguy cơ COVID-19. Do đó, đội ngũ y bác sĩ đã dồn toàn lực, phối hợp cùng lực lượng chức năng truy vết, khoanh vùng để dập dịch. Cảm nhận được sự vất vả, khó khăn và nguy hiểm của các y, bác sĩ, nhiều nhà hảo tâm, câu lạc bộ thiện nguyện đã đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ nấu các suất cơm miễn phí cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook… nhiều người dân còn quyên góp tiền ủng hộ đồ dùng y tế, hơn 1.000 kính chắn giọt bắn, nước sát khuẩn, khẩu trang, phục vụ cho tuyến đầu chống dịch.
Chị Hồ Thị Bích Hải, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông là người đứng ra kết nối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Chị Hải xúc động chia sẻ: “Trong những ngày qua, các y bác sĩ, nhân viên tại bệnh viện dù vất vả nhưng luôn cảm nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của mọi người nên rất ấm lòng. Những sẻ chia ấy đã tạo thêm sức mạnh để chúng tôi có thể chiến đấu với đại dịch. Bất cứ lúc nào, giờ nào chỉ cần có nhiệm vụ là chúng tôi sẵn sàng phục vụ”.
Để góp phần cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ tháng 4/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông đã viết thư kêu gọi sự chung tay, ủng hộ của toàn thể nhân dân. Qua đó, đông đảo người dân tham gia ủng hộ với tinh thần cao.
Theo ông Trần Minh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông, qua 2 đợt phát động đã có nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ trên 13 tỷ đồng, riêng Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 là 3,4 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Quân khẳng định “Người dân Đắk Nông luôn đồng hành với tỉnh trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ủng hộ tiền, người dân còn đóng góp các nguồn nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm… cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Những việc làm của người dân tạo sức lan tỏa, nhằm động viên các lực lượng an tâm thực hiện nhiệm vụ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức cá nhân tiếp tục ủng hộ để công tác phòng, chống dịch tỉnh Đắk Nông đạt hiệu quả hơn”.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc đoàn kết, đồng lòng thực hiện các biện pháp, nhất là sự sẻ chia, hỗ trợ của người dân luôn là động lực lớn để công cuộc phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Với nhiều việc làm cụ thể và thiết thực, những câu chuyện xúc động, ấm áp tình người vẫn không ngừng lan tỏa.