Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay, cả nước có trên 52.000 người đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố. Độ bao phủ của chương trình đã đạt tới 28% tổng số người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 80%).
Tỉnh Điện Biên hiện có trên 9.000 người nghiện nằm trong danh sách quản lý. Toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị và 35 cơ sở cấp phát Methadone cho người bệnh, lũy tích điều trị Methadone trên 6.500 người, hiện điều trị cho trên 2.400 người bệnh.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, sau hơn 12 năm triển khai, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là: tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp cũng như tuân thủ điều trị rất khác nhau giữa các khu vực; tỷ lệ bỏ điều trị chiếm trên 50% tập trung ở các tỉnh miền núi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm.
Để giảm bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà. Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt. Từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone. Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như COVID-19.
Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Điện Biên là một trong ba địa phương cùng với Lai Châu và thành phố Hải Phòng được Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức thí điểm sự kiện này. Bởi Điện Biên là tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục km mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hàng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn. Đồng thời, đây cũng là địa phương rất tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc triển khai điều trị Methadone trong những năm qua.
Việc triển khai thí điểm thành công chương trình này ở tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu và thành phố Hải Phòng sẽ làm cơ sở để triển khai mở rộng trên toàn quốc việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về sử dụng.