Ghi nhận biến chủng virus ở nhiều chùm ca bệnh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 11 giờ ngày 19/5, tổng số tích lũy ca mắc COVID-19 trên cả nước từ đầu vụ dịch đến nay là 4.579 trường hợp, trong đó có 3.108 ca trong nước, 37 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, tính từ ngày 27/4/2021 đến 11 giờ ngày 19/5, cả nước đã ghi nhận tổng số 1.538 ca mắc trong nước tại 28 tỉnh, thành phố. Trong đó Bắc Giang là tỉnh ghi nhận nhiều nhất với 527 ca, Bắc Ninh 332 ca, Hà Nội 256 ca, Đà Nẵng 144 ca, Vĩnh Phúc 88 ca, các tỉnh, thành phố khác ghi nhận 191 ca. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa.
Tính đến hết ngày 18/5, tổng số trường hợp F1 đã truy vết được tại 28 tỉnh, thành phố là 35.581 người, đã xét nghiệm cho tổng số 33.099 trường hợp.
Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bộ Y tế đã thực hiện giải trình tự gen virus và ghi nhận một số biến chủng virus tại một số nơi có chùm ca bệnh như: Tại Hà Nam, Đà Nẵng ghi nhận biến chủng tại Anh (B.1.1.7); tại Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh ghi nhận sự lưu hành biến chủng virus được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617). Đây đều là các biến chủng có sức lây lan, mạnh, rất nguy hiểm.
Hiện trên cả nước cũng có tổng số 175 cơ sở xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 129 cơ sở có năng lực xét nghiệm khẳng định ca mắc COVID-19.
Tại các địa phương, khi dịch bùng phát, các hoạt động phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt nhằm sớm khoanh vùng, kiểm soát các ổ dịch.
Tại Bắc Giang, đến nay tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn huyện Việt Yên và 3 xã (Tiền Phong, Nội Hoàng, Yên Lư) của huyện Yên Dũng từ 0 giờ ngày 18/5/2021.
Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Việt Yên, Yên Dũng và người dân khu vực phong tỏa, cách ly. Tính đến 17 giờ 30 ngày 17/5/2021, toàn Bắc Giang đã lấy được 286.716 mẫu xét nghiệm.
Tại TP. Đà Nẵng, từ ngày 17/5/2021, Thành phố đã ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các hộ gia đình trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm người mắc COVID-19 trong cộng đồng; đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Theo kế hoạch từ ngày 18- 20/5/2021, Thành phố sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng được cho 65.888 hộ gia đình.
Thực hiện mọi biện pháp kiểm soát dịch
Để tập trung nguồn lực cho các tỉnh phòng chống dịch, Bộ Y tế đã liên tiếp tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, Bệnh viện dã chiến ở 2 tỉnh đang nóng về dịch là Bắc Giang, Bắc Ninh.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã thành lập các tổ công tác đặc biệt cắm chốt địa bàn tỉnh Bắc Giang do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng gồm các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ, truy vết, điều trị, điều phối xét nghiệm... và lực lượng lấy mẫu xét nghiệm để trực tiếp hỗ trợ, phối hợp với Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh điều hành, thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng hỗ trợ các địa phương tăng tốc xét nghiệm, tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở khu công nghiệp có nguy cơ cao, xét nghiệp sàng lọc các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân; điều ekip hồi sức chuyên sâu của Bệnh viện Bạch Mai về ECMO, thở máy đến trực tiếp hỗ trợ tại chỗ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh để điều trị bệnh nhân COVID-19; phối hợp với Bộ Quốc phòng hỗ trợ điều động xe xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động, nhân lực và các trang thiết bị, sinh phẩm để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, tiến hành xét nghiệm nhanh nhất để kịp thời xử lý ổ dịch.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cũng được huy động tới hỗ trợ Bắc Giang xử lý dịch như các Đoàn công tác của: Quảng Ninh, Hà Nội; đội xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương; đội lâý mẫu xét nghiệm từ Đại học Y Hải Dương...
Bộ Y tế cũng chỉ đạo quyết liệt triển khai truy vết, cách ly, khoanh vùng, thực hiện xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc, liên quan đến các chùm ca bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là lao động tay nghề cao nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; tổ chức tốt việc đưa các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước, nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, vào Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác cách ly y tế đã được siết chặt thời gian qua. Cụ thể, các địa phương đã tăng cường thực hiện các quy định về việc nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài; siết chặt khâu cách ly tập trung, cách ly tối thiểu 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh và có kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính vào ngày đầu và ngày 14 trước khi kết thúc cách ly; siết chặt khâu bàn giao, quản lý vận chuyển, giám sát sức khỏe về nơi lưu trú; thực hiện quy định về cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Đặc biệt là những người vừa kết thúc cách ly tập trung thực hiện tiếp tục cách ly y tế 14 ngày tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú.
Để tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh ở cộng đồng, bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp, Bộ Y tế đã đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, thời gian qua có nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam được phát hiện và tổ chức cách ly, tuy nhiên sau khi hết cách ly những người này không có giấy tờ tùy thân, không có hộ chiếu, vì vậy có khó khăn trong vấn đề trục xuất hoặc trao trả lại cho quốc gia nơi họ cư trú. Bộ Y tế đề xuất Ban Chỉ đạo giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép này để làm thủ tục trả về quốc gia của họ.
Với những địa bàn, khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội tuyệt đối không để người dân ra, vào khu vực cách ly, phải triệt để thực hiện nghiêm các hoạt động phòng, chống lây nhiễm trong khu vực theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không để lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và lây lan ra cộng đồng; tổ chức bàn giao, tiếp nhận và giám sát y tế sau khi cách ly tập trung; tăng cường quản lý chuyên gia, người nhập cảnh. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, động viên, khen thưởng, xử phạt kịp thời.
Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường quản lý chặt khu công nghiệp đã và đang có trường hợp nhiễm, quản lý chặt các trường hợp đang cách ly. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng tránh lây nhiễm trong các khu công nghiệp, kể cả những đơn vị chưa có trường hợp mắc. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm triệt để, không bỏ sót các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, các trường hợp đi về từ khu vực có dịch; phát huy tối đa năng lực cách ly tập trung F1 tại các địa phương.
Bộ Y tế cũng đề xuất các địa phương, đơn vị mở rộng các loại hình xét nghiệm SARS-CoV-2, gồm: Realtime RT-PCR, xét nghiệm kháng nguyên, xét nghiệm kháng thể nhằm mục đích xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm khẳng định cho các nhóm đối tượng khác nhau. Đồng thời, đảm bảo tăng cường năng lực, chất lượng xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ.
Theo đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao mức độ cảnh báo, không được chủ quan, lơ là; tiếp tục huy động toàn hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia công tác phòng chống dịch; duy trì hoạt động của toàn hệ thống phòng chống dịch để thực hiện quyết liệt, đầy đủ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế.